DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Chánh Tư Duy Và Tà Tư Duy

Go down

Chánh Tư Duy Và Tà Tư Duy Empty Chánh Tư Duy Và Tà Tư Duy

Bài gửi  Van hoa doanh nghiep Fri Jul 30, 2010 5:37 pm

Chánh tư duy và Tà tư duy
Suy nghĩ đích thực



Trong khi chánh kiến là suy nghĩ đúng đắn về sự thật thì chánh tư duy là suy nghĩ đích thực về sự thật, sử dụng sự thật mà suy nghĩ. Đây là thứ suy nghĩ thực tế, không phải là thứ suy nghĩ mơ mộng, bay nhảy, lang thang hay xa vời. Người chỉ mới đọc vài câu chữ trong kinh mà đã cho là toàn bộ đạo Phật, rồi phán cho đạo Phật là như thế, người sẽ mang trong mình tri giác sai lầm. Đạo Phật đi vào cuộc đời, nói vậy cũng chưa đủ mà cần nói từ cuộc đời mà sinh ra đạo Phật. Nhờ có khổ mà người tìm đường thoát khổ, nên mới có đạo. Cái nhìn hời hợi của người đã khiến cho đạo Phật là một thứ gì đó cao siêu, ở trên mây, và gần hơn là ở trên cành cây. Đạo Phật không phải là những lý thuyết suông, đem ra giảng nói để vỗ tay hay tán thưởng mà được sử dụng để thực tập mang lợi ích cho mình và người. Đạo Phật có rất nhiều bài thực tập để chuyển hóa những khổ đau, xây dựng hạnh phúc đích thực nên đạo Phật là một tài sản vô giá và tài sản này vô cùng to lớn. Chánh tư duy là thấy được bản chất vô thường của vạn vật. Bất cứ cái gì đang hiện hữu đều trải qua các giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử. Đã sinh ra thì phải già, già thì phải bệnh, bệnh nặng chịu không nổi thì phải qua đời, rồi cứ thế đi tiếp con đường lẩn quẩn của vòng luân hồi. Nói về khổ đau, khổ không ở lại dài lâu mà cũng trải qua sự phát khởi, già đi, mệt mỏi và tan biến. Rồi khổ đau lại xuất hiện trở lại vì với người không tu, khổ đau chỉ tan biến tạm thời chứ không phải nó không có mặt, còn với người tu dù khổ đau hiện tiền hay không hiện tiền, người vẫn tự tại an nhiên. Hãy nhìn mình, nhìn người, nhìn vạn vật bằng con mắt của vô thường để thấy thương cả vô thường. Vô thường có thể là khổ và cũng có thể là hạnh phúc. Với người đang hạnh phúc, vô thường làm hạnh phúc đó tan biến, người sẽ thấy khổ lắm. Với người khổ đau, vô thường làm khổ đau đó tan biến, người sẽ thấy hạnh phúc lắm. Người thường hay chênh vênh trong những khoảnh khoắc của hạnh phúc và khổ đau như thế mà không chịu nhìn nhận rằng cái gì đến cũng sẽ tự nhiên đến và khi đến rồi cũng sẽ tự nhiên đi.

Sử dụng vô ngã để tư duy chính là chánh tư duy. Bất cứ tư duy nào mà sử dụng ngã đều là tà tư duy. Một người thương mình ngày hôm nay, ngày mai chưa chắc người ấy còn thương mình và sự thay đổi thương ghét là vô thường nhưng cho rằng mình là đối tượng người đó thương là ngã. Thương là chỉ để thương thôi, thương một đối tượng thì vẫn còn ngã. Vậy nói ghét một đối tượng cũng là ngã luôn. Vô ngã đặt trên tình thương là không thương không ghét mà cũng không phải là không thương không ghét. Vô ngã mang tính tự nhiên, phải là như thế, phải xảy ra như thế, phải kết hợp hay chuyển hóa như thế không thể tác động vào được. Gương mặt này nói là của người, vậy người kêu nó mập mạp hồng hào hay xinh đẹp hơn lên có được không. Sao kỳ vậy? Của người thì người điều khiển thế nào cũng được chứ? Đơn giản gương mặt này là vô ngã, nó chỉ biểu hiện ra thành gương mặt mà thôi. Nói gương mặt này là của mình, cái xe này là của mình, ngôi nhà này là của mình là những vọng tưởng. Nói của mình chỉ để chứng minh sự sở hữu về mặt luật pháp. Để diệt trừ vọng tưởng, người có thể thực tập quán bất tịnh. Thứ nhất, quán từ đầu đến chân, cơ thể gồm 36 vật bất tịnh như tóc, lông, móng, răng, da mỏng, dạ dày, máu mủ, thịt, gân, mạch, xương, tủy, gan, phổi, tim, lá lách, dạ dày, đồ ăn, ruột non, ruột già, phẩn, nước tiểu, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước mắt, ghèn, ráy tai, cáu bẩn, óc, bong bóng, mật đàm, bầy nhầy, mỡ, mỡ sa, màng óc. Thứ hai, quán thây mới chết bầm xanh hoặc tím ngắt, thần thức rời khỏi thân, nằm một xó không thể cử động hay làm ăn gì được. Thứ ba, quán thân thể sình trương lên không còn thể trạng ban đầu được nữa. Thứ tư, quán thân thể nứt nẻ, bao nhiêu chất dơ chạy rịn ra. Thứ năm, quán thân thể mục rã không còn hình dáng ban đầu. Thứ sáu, quán sự hôi thúi bốc lên như mùi chuột chết. Thứ bảy, quán thân thể bị tấn công bởi các loài sinh vật nhỏ bé như vi trùng, giòi đục. Thứ tám, quán xương lâu năm bị mục rữa trở về với đất. Thứ chin, quán xương hay phần thân còn lại bị thiêu đốt, tan ra thành tro bụi, một cơn gió thoảng qua bay đi bốn phương tám hướng. Quán bất tịnh để làm giảm hay diệt trừ sự dính mắc vào thường và ngã. Nghĩ rằng đời sống này là thường còn nên dính mắc vào những trò chơi tà dục. Nghĩ rằng thân thể này là ngã nên chiều chuộng bằng những trò chơi tà dục. Người bị trùm kín bởi thường và ngã nên bị lạc vào tà từ duy vì suy nghĩ tà nên hành động, lời nói cũng thế mà tà theo, đi về hướng của bất tịnh. Thân thể bất tịnh cũng là đề mục thiền quán để thấy rằng thân thể này không phải là ta, ta không bị kẹt vào thân thể này nhưng nhở thân thể này mà ta hành trì giáo pháp, nên nói thân thể là đền thờ tâm linh là như thế.

Tư duy ở trình độ xuất thế gian là không còn bị kẹt vào ý niệm thường hay vô thường nữa. Chánh tư duy là sử dụng vô thường để quán chiếu vạn vật nhưng khi ở trình độ xuất thế gian, thường hay vô thường cũng vậy mà thôi. Người cứ mải mê ngồi tranh cãi, mất thì giờ lắm. Giống như trường phái duy tâm và duy vật, cứ tranh cãi mãi, còn thời gian đâu mà nhìn thấy nhau. Người tu có hai giai đoạn thực chứng. Giai đoạn thứ nhất là thực tập vô thường để biết rằng mọi thứ đều vô thường, nhưng vô thường không chỉ là khổ mà còn là hạnh phúc. Giai đoạn thứ hai là thực tập dù thường hay vô thường thì cũng vậy mà thôi, không còn kẹt vào bên nào nữa. Người tu thiền không kẹt vào thiền, người tu tịnh độ không kẹt vào tịnh độ. Tịnh độ là thiền và thiền cũng là tịnh độ. Trong sách Hơi Thở Tinh Khôi, tôi có đề cập một bài thiền niệm Phật còn gì. Vậy cái gì gọi là thiền, cái gì gọi là tịnh độ? Chấp vào thiền hay tịnh độ thì bao giờ mới gặp thiền hay gặp tịnh độ. Học trò hay hỏi tôi, Biết bao giờ con mới gặp thầy. Tôi nhắn lại, con đã gặp rồi đói. Hay người hỏi, Biết bao giờ mới được gặp Phật. Tôi cười, con đã gặp Phật rồi còn gì. Người nghĩ gặp tôi là phải thấy cái hình tướng của tôi hay gặp Phật là phải thấy cái hình tướng của Phật. Nghĩ vậy là đem cái ngã ra mà nghĩ hay đem cái tà tư duy ra mà nghĩ. Người và tôi là một thì người chỉ cần gặp chính người thôi. Phật tính trong người thì chỉ cần ngồi tâm sự với Phật tính đó thì người gặp Phật thôi. Có bao giờ người ngồi suy nghĩ, lúc 20 tuổi sao thấy hồi 10 tuổi ngây ngô, rồi 40 tuổi sao thấy hồi 20 tuổi ngây ngô, rồi 60 tuổi sao thấy hồi 40 tuổi ngây ngô, rồi 80 tuổi sao thấy hồi 60 tuổi ngây ngô. Người hình như ngây ngô qua các thời đại, nhưng trong thời đại đó, người không thấy mình ngây ngô, mãi sau này mới thấy. Cũng vậy, nếu tìm về được với chánh tư duy, người sẽ thấy mọi tư duy trước đây đều là tà tư duy, thấy sao mình bấy lâu dại dột quá, đánh mất mình quá.

Với xuất thế gian, mọi tư duy đều là tà tư duy cho dù đó là chánh tư duy hay tà tư duy, và mọi kiến đều là tà kiến cho dù đó chánh kiến hay tà kiến. Đã nói rồi, xuất thế gian thì còn gì đâu nữa mà phân biệt, cái gì cũng tự tại mà. Phật dạy quán khổ để bỏ ảo tưởng về vui. Chánh tư duy được dạy không phải để nói cho vui mà để thực tập, đem tư duy chân chánh mà nhìn cuộc đời. Người sẽ bớt khổ khi thấy người thân ra đi, bản thân thì cũng thay đổi, người thế này người thế kia, người ghét người thương. Tư duy chân chánh không làm hại được người nên người hãy cần mẫn thực tập đem con mắt vô thường, vô ngã, vô tướng mà nhìn sự vật trôi đi một cách bình an. Đừng bao giờ bị kẹt vào những ý niệm hay ngôn từ. Từ ngữ sử dụng để dễ dàng liên tưởng mà thôi và nhiều khi cái liên tưởng không như sự thật đang diễn ra. Nói vô thường không phải là để phân biệt với thường mà nói vô thường là để không bị kẹt vào thường lẫn vô thường. Những ý niệm hay ngôn từ đều có giới hạn, không diễn tả hết sự thật. Nếu hỏi tôi, thiền là gì. Chắc chắn tôi không trả lời và cách trả lời hay nhất là chính người phải nhào vô mà thực tập thiền thì mới hiểu được. Dù tôi có giải thích cách mấy người cũng chẳng hiểu được hay chỉ thấy lớp vỏ bề ngoài của nó mà thôi. Không kẹt vào ý niệm như người tu không kẹt vào chuyện tu. Nếu cho rằng vào chùa để được an lạc, thảnh thơi thì lầm to. Không phải vào chùa mới tu mà tu khắp mọi nơi, ở đâu cũng tu được. Cũng vậy, nói Niết Bàn là hoàn toàn tĩnh lặng, là tắt ngấm thì kẹt vào ý niệm tĩnh lặng, ý niệm tắt ngấm. Hãy nhớ rằng, trong vùng khổ đau vẫn có thể thực tập tĩnh lặng như thường.

Tà tư duy là sự suy nghĩ hay tư duy không dựa trên nền tảng căn bản của sự thật mà xa rời sự thật. Sự thật không được đem ra áp dụng để nhìn vạn vật. Suy nghĩ sai lệch về chân lý nên hành xử cũng sai lệch như vậy. Đọc một bài kinh, một trăm người hiểu theo một trăm cách khác nhau và nếu tổng hợp một trăm cách hiểu đó lại vẫn chưa chắc phản ánh cách mà kinh muốn nói. Đọc kinh chỉ để đọc kinh thôi. Đọc kinh không phải là để hiểu nhằm nâng cao kiến thức. Khi nhân duyên đầy đủ, trong lúc chú tâm đọc kinh, trí tuệ bỗng nhiên bừng sáng, như màn đêm tối tăm được thắp sáng bởi một ngọn nến. Sống để hưởng thụ, là tà tư duy. Sống để tranh quyền đoạt lợi, tom góp hạnh phúc về phía mình, là tà tư duy. Đời sống này kéo dài mãi mãi, thành tựu này kéo dài mãi mãi, là tà tư duy. Tà tư duy phát khởi và cứ thế leo thang từ đời này sang đời khác. Nhiều tà từ duy được trao truyền từ nhiều thế hệ rồi đi vào con cháu, con cháu trở thành nạn nhân của những trò tà tư duy của cha ông hay tổ tiên để lại. Tà tư duy làm cho tâm hồn trở nên tầm thường và điên loạn. Sống chỉ để vươn lên địa vị cao trong xã hội chẳng phải tầm thường là gì. Người tôn thờ cái bên ngoài hơn cái bên trong chẳng phải tầm thường là gì. Khi đau khổ đến, người không tìm hiểu nguyên nhân của nó để giải quyết mà chỉ nổi giận, trách cứ, than vãn hay chỉ trích, đây chẳng phải tầm thường là gì. Những trò chơi điên loạn được đặt ra để trốn chạy thực tại khổ đau làm xóa nhòa thực tại hạnh phúc. Mặt trời đang lên mang lại sự sống muôn loài nhưng người không đủ thì giờ để nhìn thấy, người đang điên loạn. Người thân thương đang có mặt cho người nhưng người không đủ thì giờ để nhìn thấy, người đang điên loạn. Hoa lá, cỏ cây, nụ cười bé thơ, tiếng líu lo của những đàn chim, đàn thiên nga đang tung tăng, chú chó chơi đùa với trái banh nhưng người không đủ thì giờ để nhìn thấy, người đang điên loạn. Trái tim còn khỏe, lá phổi còn thở, đôi mắt còn sáng, thân thể còn lành lặn nhưng người không đủ thì giờ để tận hưởng, người đang điên loạn.

Những tư duy tiêu cực dễ dẫn dắt đến tà tư duy. Cứ tin một cách mù quáng rằng cuộc đời này là khổ, không có hạnh phúc nên người đày đọa bản thân không dám tiếp xúc với đất trời bên trong và bên ngoài. Người thích đứng lẻ loi giữa những tòa cao ốc chọc trời không một bóng cây xanh trong khi đất trời ban tặng những hàng cây xanh rì ở công viên, đồng quê hay khu rừng. Suy nghĩ không đích thực về đạo lý nên người có thể tôn thờ đạo lý sai lệch. Giết hại sinh vật để cúng tế thần linh hòng mong hưởng an lạc thái bình nghe có vẻ sai lệch. Chưa thấy an lạc thái bình đâu, chỉ thấy sự kêu la rên xiết của chúng sinh. Đoạn trừ tà từ duy bằng cách quán tà tư duy, quán nguyên nhân của nó và quán tà tư duy dẫn người đi đến đâu, khổ đau hay hạnh phúc. Một người mình tự cho là làm hại mình, nên mình mong người đó gặp tai nạn hay chết đi cho rồi, tà tư duy. Một người có nhiều tài năng, làm việc giỏi giang, nhiều thành tựu, mình mong người sức cùng lực kiệt, đi chỗ khác cho khuất mắt, tà tư duy. Cuộc đời quá khổ sở, mình muốn tự sát để xong cho rồi hay đi đến cõi khác tốt đẹp hơn, tà tư duy. Thay đổi người khác bằng cách áp đặt, chuyên quyền, không nể nang ai, tự tung tự tác, tà tư duy. Bảo vệ sinh mạng mình bằng cách hy sinh sinh mạng của chúng sinh, tà tư duy. Mình làm sai, xúi giục kẻ khác theo mình, khen ngợi cái sai và tôn thờ cái sai, tà tư duy. Sở dĩ người có tà tư duy và không thể tiếp xúc với chánh tư duy là do cố chấp. Cố chấp có mặt vì nghiệp quá sâu dày. Nghiệp ngăn cản không cho minh hiện tiền. Người đi như kẻ mộng du, thức như đang ngủ mê. Tâm đang bất an nhưng tưởng là an, đang đau khổ nhưng tưởng hạnh phúc. Mọi thứ điều do tưởng mà ra. Tưởng cao siêu, tà tư duy càng dày đặc. Nhìn cọng dây tưởng con rắn, nhìn lá chuối đung đưa tưởng là ma, nghe người nói tưởng đang chỉ trích mình. Chánh niệm về tưởng để có cái nhìn đúng đắn hơn. Biết nhìn đúng đắn thì mới biết nhìn đích thực, từ đó mới mong hạnh phúc vẹn toàn.

Hãy chấp nhận để còn nhìn thấy nhau
Khóc than chi cho hoa lá úa màu
Tha thứ bao dung cho đời bớt khổ
Đừng để lệ đổ ánh mắt héo hon.

Xin đừng bước đi vào những lối mòn
Đừng suy nghĩ những đạo lý thường còn
Cất tiếng hát mà ngợi ca sự sống
Trời bão giông vẫn giữ tấm lòng son.





(Theo sách: Những Trái Tim Đồng Dạng - Minh Thạnh)

Xem thêm tại: http://vn.360plus.yahoo.com/sc_minhthanh

Van hoa doanh nghiep

Tổng số bài gửi : 54
Location : Vietnam
Registration date : 05/05/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết