DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Em Bé Mồ Côi

Go down

Em Bé Mồ Côi Empty Em Bé Mồ Côi

Bài gửi  Van hoa doanh nghiep Wed Nov 03, 2010 7:36 pm

Em Bé Mồ Côi



Bệnh viện Từ Dũ đông nghẹt các bà mẹ ngồi chờ sinh con. Người sinh con đầu lòng, người sinh đứa thứ hai, thứ ba. Các bác sĩ ra vào liên tục. Trong số những bà mẹ ấy, có rất nhiều người mong đứa con chào đời, muốn nhìn đôi tay bé bỏng và đôi mắt ngây thơ, nụ cười trong trắng. Nhiều đứa được sinh ra được cho là con cầu con khẩu, ba mẹ chúng đi cầu nguyện dữ lắm mới có được một đứa con. Cho nên có con là niềm haạh phúc hết sức to lớn đối với họ. Ấy vậy lại có người cố chối bỏ đứa con, không muốn có con, nỡ lòng dứt bỏ máu mủ ruột thịt của mình. Một bà mẹ phải nói là còn rất trẻ, tuổi chưa tới hai mươi. Đôi mắt hớt hải của cô như không tin là mình vừa mới có một đứa con. Cô chạy vụt ra khỏi bệnh viện, trên tay ôm đứa bé nhỏ xíu hãy vẫn còn đỏ hỏn. Cô đón chiếc xe ôm và băng qua những con đường, tay rón rén che nắng cho đứa trẻ mà nước mắt lưng tròng. Bác tài xe ôm gần như hiểu được chuyển gì. Ông vượt những con đường, có đường thì nắng, có đường thì rợp bóng cây xanh. Đứa trẻ vẫn ngủ trên cánh tay non nớt của cô gái trẻ. Xe chạy đến đầu một con hẻm thì dừng lại, cô vội trả tiền xe rồi chạy vọt vào trong. Cuối hẻm là một ngôi chùa nhỏ được che khuất bởi một hàng tre xanh. Cô run run đặt đứa trẻ dưới gốc cây tre, nhìn nó một hồi lâu rồi bỏ đi.

Cái im lặng của buổi trưa bị xua tan bởi tiếng khóc của trẻ thơ. Một sư chú trẻ bỏ ngang giờ chỉ tịnh, bước ra ngoài xem sự tình thì nhìn thấy một đứa bé còn đỏ hỏn trong bộc khăn quấn vội vàng dưới trời nắng gắt. Ngay lập tức sư chú bồng đứa nhỏ vào và báo cho thầy trụ trì biết. Cả ngôi chùa đều thức giấc, mọi người xúm quanh nhìn đứa nhỏ, không biết con cái nhà ai mà đem bỏ ở trước chùa đây. Đứa nhỏ được đặt tên là Minh Trí và các sư chú thay nhau chăm sóc cho nó. Bên trong sân chùa có nhiều cây sứ, bên ngoài có nhiều hàng tre. Ngôi chùa được tắm mát bởi những bóng râm. Đứa nhỏ lớn lên nhờ cơm chùa và bàn tay chăm sóc của mấy ông thầy tu. Còn nhỏ tuổi nhưng bé hầu như thuộc hết những tiếng kệ lời kinh. Chỉ cần một người yêu cầu đọc một bài kinh nào đó, bé có thể đọc làu làu. Em chưa hiểu nổi ý kinh lời kệ đâu nhưng em được cưu mang giữa chốn thiền môn, được thừa hưởng gia tài, không phải trôi lăn giữa dòng đời đầy nghiệt ngã.

Hoa sứ nở mùi thơm vang lừng. Em nhặt từng bông hoa sứ, kết thành tràng hoa cúng dường Bụt. Nếu sáng sớm chạy ra sân chùa tập thể dục, em nghe như bông sứ đang hoà ca giữa đất trời vẫn còn sương đêm. Chỉ sau một đêm mà bông sứ rụng đầy. Em nhặt mà không biết mệt. Thà mệt còn hơn không, mai mốt bông sứ không nở nữa lấy đâu có bông rụng mà nhặt. Em lấy một chiếc ly thủy tinh, chế đầy nước và để một bông sứ vào. Bông sứ gần như bềnh bồng trên mặt nước. Cũng là một cách chưng bông. Hương bông ngào ngạt khắp chánh điện cúng dường chư Bụt mười phương. Em không biết có chư Bụt mười phương không, chỉ biết tượng của Bụt hiền từ nhìn em. Sáng em nhìn thấy Bụt, chiều cũng nhìn thấy, tối cũng nhìn thấy. Em không phải là đứa trẻ mồ côi nữa. Em đã có các thầy, có sư phụ, có Bụt, có cây bông sứ, có hàng tre xanh. Em không hề cô đơn mà thấy ấm áp trong những bàn tay. Các thầy là ba mẹ và Bụt là người yêu. Đứa trẻ vụt lớn nhanh như thổi thành sư chú rồi sư thầy. Chú không biết ba mẹ mình là ai nhưng ba mẹ chú thì nhiều lắm. Tất cả chúng sinh đều là ba mẹ, cho nên luôn phải biết chăm sóc và cung kính ba mẹ. Bụt là người yêu tuyệt vời vì Bụt là niềm vui, là tĩnh lặng, là an lạc tuyệt đối.

Một lần ngồi tâm sự với Bụt. Chú hỏi: “Bụt ơi, con phải làm gì để báo hiếu cho ba mẹ?” Bụt mỉm cười nói: “Không cần làm gì cả.” Chú ngạc nhiên hỏi: “Không làm gì hết là sao hả Bụt?” Bụt nói: “Không mong cầu, không đam mê, không dính mắc, không tham lam, không sân hận, không si mê. Không làm những thứ đó là báo hiêú cho ba me, cho sư phụ, cho các thầy rồi.” Chú hỏi tiếp: “Bụt ơi, vậy con phải làm gì để báo hiếu cho Bụt?” Bụt cười lớn: “Không cần làm gì cả.” Chú lại ngạc nhiên hỏi: “Sao chẳng làm gì cả?” Bụt ôn tồn trả lời: “Con không thấy sao, ta chỉ ngồi đây, có làm gì đâu, nếu lăng xăng làm đủ thứ chuyện thì làm sao trở thành Bụt được chứ.” Chú không hỏi nữa, chú đã hiểu lời dạy của Bụt. Muốn báo hiéu cho ba mẹ, chú phải lo tu tập thì ba mẹ trong chú mới bình an, hạnh phúc được. Muốn báo hiếu cho Bụt hay sư phụ và các thầy, chú phải nhìn vào bản chất Bụt, bản chất sư phụ hay bản chất các thầy trong chú. Nếu bận rộn chạy tới chạy lui, chú sẽ không có thì giờ để báo hiếu cho những người thân thương của mình.

Một buổi trưa, chú nghe tiếng trẻ thơ khóc bên ngoài. Chú chạy ra, thấy một đứa nhỏ nằm dưới gốc cây tre. Hàng tre tuy già cỗi nhưng vẫn đứng sừng sừng. Gió thổi về bên phải thì nghiêng về bên phải, gió thổi về bên trái thì nghiêng về bên trái nhưng dù gió mạnh cách mấy cũng không quật ngã chúng được. Chú ôm đứa trẻ vào lòng, nó nín khóc ngay lập tức. Chắc nhìn cái đầu trọc thấy ngồ ngộ nên chăm chú nhìn, quên cả nỗi bất hạnh bị ba mẹ bỏ rơi. Vài ngày sau, đứa trẻ thứ hai xuất hiện, rồi đứa thứ ba. Chẳng mấy chốc ngôi chùa tràn ngập tiếng khóc của trẻ thơ. Nếu không nhìn thấy chỉ nghe thôi, người ta sẽ nghĩ ấy chắc là nhà trẻ. Không biết làm phước gì mà ngôi chùa chú ở thật giàu có, giàu có con cháu. Chẳng có ai lập gia đình mà vẫn có con, đứa nào cũng ngoan, đứa nào cũng kháu khỉnh. Vài năm sau, tiếng ê a thay cho tiếng đọc kinh tràn ngập cả con hẻm. Chú phải làm việc để đủ tài chính nuôi mấy đứa nhỏ. Ban ngày thì dạy chữ cho chúng, ban đêm làm nhang bán kiếm thêm chút thu nhập. Nhìn mấy chục đứa con lớn lên mỗi ngày, chú thấy mừng vui. Sau này chúng sẽ giúp hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi khác nữa. Đông đúc như vậy, mấy đứa nhỏ rất đoàn kết, hoà thuận và thương yêu nhau. Nghĩ rằng sau này chúng sẽ trở thành những Bụt con, chú bất giác mỉm cười. Nhiều cư sĩ biết tin đến giúp đỡ thực phẩm và quần áo rất nhiều. Ngôi chùa trở thành nhà tình thương của trẻ thơ.

Hai mươi năm sau, vị hoà thượng ngồi thuyết pháp trong chánh điện. Phía dưới hàng trăm Phật tử, thanh thiếu niên và trẻ em ngồi nghe. Thỉnh thoảng vài tiếng chuông ngân lên nhắc nhở mọi người theo dõi hơi thở, an trú trong hiện tại. Ông giảng về đức hiếu hạnh của thầy Mục Kiền Liên. Cho dù ba mẹ đối xử thế nào với con cái, bản thân đứa con chỉ biết yêu thương và báo hiếu cha mẹ của mình thôi. Sau buổi thuyết pháp, một nữ Phật tử lớn tuổi đến dâng hoa cúng dường vị hoà thượng. Ông chắp tay xá chào và đưa tay đón lấy, cánh tay lộ ra ngoài để lộ một cái bớt dài. Người đàn bà giật mình bật khóc làm rơi bó hoa xuống đất. Vị hoàng thượng gần như hiểu điều gì, ông quỳ xuống dưới chân người đàn bà: “Mẹ, con bấy lâu bất hiếu không phụng dưỡng cho mẹ.” Người đàn bà nói: “Con tha lỗi cho mẹ, ngày xưa vì trường hợp bất khả kháng, mẹ phải bỏ rơi con và ra đi. Ơn Bụt đã cho mẹ con gặp nhau trong hoàn cảnh như thế này. Mẹ mừng vì con đã là một cao tăng, biết chăm lo cho bá tánh.”

Vị hoà thượng mời mẹ ngồi, rót nước cho mẹ rồi cung kính quỳ lạy mẹ. Ông nói: “Cả đời con mang ơn ba mẹ. Nếu mẹ không mang con vào chùa thì làm sao con có cơ hội tu tập, được gặp Bụt, được gặp Pháp, được gặp sư phụ và các thầy. Nhờ thế con có nhiều hạnh phúc và an lạc trên con đường tu tập của mình. Công của mẹ rất lớn, mẹ không có lỗi gì cả. Con thật may mắn được gặp lại mẹ, xin hãy ở lại đây cho con có cơ hội phụng dưỡng mẹ.” Người mẹ già nua nước mắt lưng tròng, đứng dậy đỡ vị hoà thượng bây giờ tuổi đã trung niên đang năn nỉ người mẹ cho phép mình được chăm sóc. Những người chứng kiến cảnh này trong chánh điện không thể cầm được nước mắt. Có ai ngờ vị hoà thượng mồ côi vẫn còn có mẹ, vẫn ở bên mẹ đến cuối đời. Ông khuyến khích mẹ tụng kinh, sám hối và niệm Bụt mỗi ngày. Ông biết ơn mẹ đã mang ông đến chốn thiền môn, bằng không có lẽ bây giờ ông đang bon chen giữa chợ đời. Mẹ ông chuyên tâm tu học, ban ngày chăm sóc mấy chú tiểu, quét dọn chùa chiền, ban đêm tụng kinh niệm Phật hết sức thành tâm. Bà sống đến 90 tuổi và ra đi trong bình an. Bà sinh về cõi trời Đao Lợi. Đứa bé mồ côi ngày nào sống đến 120 tuổi và ra đi trong tư thế kiết già, sau khi hoằng pháp khắp nơi. Các nhà sư do ông nuôi dạy đã lên đến cả trăm vị, các Phật tử đến nghe pháp và tu học ngày càng đông.



(Theo sách: Rong Chơi Tuổi Thơ - Minh Thạnh)

Xem thêm tại: http://vn.360plus.yahoo.com/sc_minhthanh/article?mid=1580&prev=1581&next=1579

Van hoa doanh nghiep

Tổng số bài gửi : 54
Location : Vietnam
Registration date : 05/05/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết