DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tự Ngã

Go down

Tự Ngã Empty Tự Ngã

Bài gửi  laitutran247 Tue May 07, 2019 10:34 am

NHẸ NHÀNG Om Mani Padme Hum



Khi nói về tự ngã, chúng ta nên biết là từ ngữ này có nhiều ý nghĩa hơi khác nhau. Tự ngã hay cái “ta” có thể là ý tưởng về bản thân như một cá nhân khác những người khác. Nhưng ý tưởng về bản thân như một cá nhân riêng biệt là một sự giả tạo phát sinh từ tâm nhị nguyên. Theo tôi hiểu thì tâm lý học hiện đại xem tự ngã là một cái gì hơi khác. Tâm lý học gắn sự quan trọng cho tự ngã vì thấy tự ngã liên quan tới hình ảnh tự thân của chúng ta, tức là liên quan tới sự hiểu mình như một sinh vật riêng biệt kinh nghiệm thế giới bên ngoài qua những giác quan của mình. Như vậy, không thể có tâm thức nếu không có tự ngã; không có ai để ý thức về một cái gì. Và như vậy tự ngã được xem là không thể thiếu cho tiến trình tâm thức vốn xác định nó.

Chúng ta đang nói ở đây cái có thể được gọi là tâm thức thực nghiệm cá nhân, mức tâm thức liên kết với năm giác quan và trí phân biện. Hình ảnh bản thân phát sinh từ tâm thức giới hạn trong thời gian và giác quan thì không thật. Thật vậy, mọi hoạt động vị kỷ phát xuất từ hình ảnh về bản thân giả tạo này. Hình ảnh giả tạo này làm cho chúng ta tin vào một thế giới nhị nguyên của bản thân và người khác, của những vật riêng biệt, của đau đớn và tranh chấp, sinh và tử, giết và bị giết. Hình ảnh này không thật vì nó chỉ là bề ngoài. Vì nếu có thể trông thấy xa hơn những hình thể luôn biến đổi, chúng ta sẽ hiểu rằng không có gì ngoài sự đơn nhất và hòa hợp, và sự hoàn hảo này không khác thế giới hiện tượng luôn biến đổi và chuyển hóa. Nhưng nhãn quan của chúng ta có giới hạn và trực giác của chúng ta yếu ớt.

Cái tự ngã giả tạo đang ngự trị với những tham vọng, sân hận và tà kiến và biện minh cho mình bằng lý lẽ phàm tục, làm cho chúng ta tin rằng mình có thể hưởng thụ những thú vui cảm giác mà không đau khổ.

Tự ngã khống chế chúng ta bằng ngôn ngữ với những đại danh từ như “tôi”, “ta”, “mình”, thật ra “tôi” chỉ là một lối nói quy ước. Chúng ta thường nghe “tôi nói rằng...”, “Tôi đã làm...”, “Tôi thích...”, “Tôi ghét...”. Đó là tự ngã đang nô lệ hóa chúng ta, đưa chúng ta tới đau khổ, vì càng nghĩ và nói “tôi”, “ta”, “mình”, chúng ta càng lệ thuộc sự đòi hỏi của tự ngã.

Tâm tự ngã tương đối, với sự hỗ trợ của ngôn ngữ, còn lừa dối chúng ta bằng những cách khác. Nó luôn luôn dụ dỗ chúng ta phân biệt, so bì, phê phán, xa rời sự cụ thể và chắc thật để đi vào cõi suy luận và trừu tượng. Thí dụ, một người đang đi trên đường bỗng nghe tiếng chuông. Tức khắc tâm phân biệt của người đó đánh giá tiếng chuông là “nghe hay” hoặc “nghe chói tai”, đó là chuông nhà thờ hay chuông nào khác. Người đó có thể liên tưởng tới một âm thanh tương tự mà mình đã nghe trong quá khứ, rồi người đó phân tích và so sánh. Với mỗi nhận xét và phê phán, kinh nghiệm nghe thuần túy trở nên mờ nhạt dần cho tới khi người đó không nghe thấy âm thanh mà chỉ nghe thấy những ý tưởng của mình về âm thanh đó.

Bây giờ chúng ta hãy xét về nguồn gốc của tự ngã theo quan điểm chính thức của tâm lý học Phật Giáo. Năm thức đầu là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức và Thân thức. Thức thứ sáu là Ý thức, phân biệt và phân loại những dữ kiện của năm thức trước, tức năm giác quan. Thức thứ bảy là Mạt na thức, tạo ý niệm cái “ta”, là nguồn gốc của sự phê phán, đánh giá, ý kiến vị kỷ, và những tà kiến, tất cả đưa tới những hành động phù hợp với chúng. Thức thứ tám là A lại da thức, tức là Hàm tàng thức hay thức chứa đựng, chủng tử của tất cả những hoạt động tâm trí, tình cảm và những kinh nghiệm cảm giác được chứa đựng hay được ghi nhận trong mỗi khoảnh khắc. Hàm tàng thức hay chủng tử thức tương đối còn tồn tại sau cái chết và qua các kiếp sau, lưu giữ chủng tử ý thức của những kiếp trước và chủng tử của những nghiệp mới. Thức thứ tám này cũng chứa đựng ký ức của trạng thái trước khi sinh ra, như những cảm giác trôi nổi hay bay, cảm giác tự do, cảm giác hợp nhất với vạn vật. Những cảm giác này thường xảy ra trong những giấc mộng và thường được kèm theo một cảm giác rất dễ chịu. Đối với những người nhạy cảm và hợp với chúng, những ký ức của thời kỳ trước trước khi sinh ra có thể ám chỉ sự tự do mà chúng ta gọi là chết.

Thức thứ chín là Chân tánh không sắc tướng và thanh tịnh thường hằng của chúng ta. Thức này có liên hệ chặt chẽ với thức thứ tám tới mức hầu như không có sự khác biệt giữa hai thức. Thức thứ chín có thể được ví với biển vô tận mà trong đó mỗi kiếp là một đợt sóng nhô lên trên mặt nước. Thức này có thể được gọi là chủng tử thức tuyệt đối


Nói một cách chính xác thì tự ngã không thể được coi là vẫn còn tồn tại sau khi chết, nhưng thức thứ bảy tức Mạt na thức có ý niệm về cái “ta” vẫn tồn tại. Có thể ví nó như một tờ giấy trắng nằm chờ sự trở về của tự ngã. Nó là sự tham muốn một thể xác và tất cả những điều gì khác đi kèm với thể xác, vậy nó là động lực của sự tái sanh. Nói cách khác, tái sanh là hệ quả tất yếu của việc chúng ta đã không đạt giải thoát trọn vẹn trong kiếp trước. Như vậy, chúng ta lăn trôi trong luân hồi sinh tử không ngừng, được thúc đẩy bởi ý muốn trực giác và những thói quen tham, sân, si. Chúng ta bị thúc đẩy bởi cái “ta” vị kỷ. Thể xác vật chất là sự tổng hợp hay sự kết tinh của những ý tưởng sai lầm vị kỷ.

Bây giờ chúng ta hãy xét tự ngã theo quan điểm tri thức học. Kiến thức của chúng ta về thế giới hiện tượng được thủ đắc qua mối liên hệ chủ thể-đối tượng. Tức là chúng ta như những chủ thể nhìn những đối tượng, phân biệt chúng với bản thân và những đối tượng khác, áp đặp cho chúng những cái tên, những thuộc tính, những tính chất, và phán xét chúng. Thí dụ chúng ta ngầm đồng ý với nhau gọi một đối tượng là “cây”. Rồi chúng ta quên rằng “cây” là một ý niệm của chính mình và không nói lên sự thật nào của đối tượng này. Vậy cây là cái gì? Một triết gia có thể gọi nó là sự thật tối hậu, một nhà thực vật học gọi nó là một sinh vật, một nhà vật lý học gọi nó là một đám âm điện tử quay xung quanh hạt nhân, một họa sĩ gọi nó là một hình dạng đặc biệt với màu sắc đặc thù, một thợ mộc gọi nó là một cái bàn tiềm năng, đối với một con chó thì nó là chỗ để phóng uế. Tất cả những sự mô tả hay phân tích đều chỉ là một cái nhìn từ một mặt vào cái có vô số phương diện. Phân tích cốt tủy của cái cây ở bên ngoài bất cứ điều gì có thể được nói về nó.

Tương tự, chúng ta xét thời gian bằng cách chia nó thành quá khứ, hiện tại và tương lai, và cũng chia nó thành năm, tháng, ngày, giờ. Sự phân chia này có mục đích thuận lợi, nhưng nên nhớ nó có tính cách giả tạo và tự ý; nó là sản phẩm của tâm phân biệt vốn chỉ thấy bề mặt của vạn vật. Chúng ta không xét tới sự vô thời gian. Như vậy chúng ta quan niệm một thế giới ý niệm giới hạn và xa rời thế giới thật. Vì quan sát những đối tượng từ một khoảng cách, chúng ta không có ý thức bao quát, trực tiếp và trực giác về chúng. Và vì không thâm nhập chúng, kiến thức của chúng ta về chúng có giới hạn và chỉ có một mặt.

Ở trung tâm của sự việc là tự ngã. Vì đứng riêng biệt đối với những tự ngã khác, nó tự tại coi mình là tâm điểm của vạn vật. Sự thật nó chỉ là một tự ngã được đối tượng hóa và không phải là chân tánh vô sanh bất tử, ẩn ở bên trong và hợp nhất vạn vật. Chân tánh hay bản thể không thể được đối tượng hóa hay được biết bằng lý trí, hay sự tạo ý niệm vì có tính chất không thể quan niệm và không thể tưởng tượng. Đó là cái bí ẩn không thể gọi tên ở bên trong vạn vật.

Sự thật là không có tự ngã cá nhân, mà toàn thể vũ trụ là Chân Ngã. Không biết rằng mình chính là Chân Ngã này, chúng ta tự xem mình chỉ là cái thể xác nhỏ bé, một hạt bụi trong vũ trụ vô biên. Chúng ta lại phân biệt mình với người khác, tưởng tượng ra một khoảng cách giữa mình và người khác và chỉ nói hay làm vì lợi ích của riêng mình. Đó là sự vô minh căn bản của chúng sinh.

Sự phân cách của chúng ta với Chân Ngã được phản chiếu trong đời sống có tính chất không đáng thỏa mãn của chúng ta, với đầy đau khổ, lo nghĩ, thất vọng. Trong tình trạng này chúng ta muốn có một đời sống an lạc thực sự.

Chúng ta còn phân cách với Chân Ngã theo một cách khác. Chúng ta sống trong thời gian và không gian, trong một thế giới hữu hạn, vô thường và vật chất, nhưng cùng lúc đó chúng ta cũng sống trong một thế giới vô hạn, thường tồn và vô vật chất. Với tâm nhị nguyên phân biệt, chúng ta trở nên xa lạ với chân tâm của mình. Chúng ta không thể cảm nhận chân tâm trước khi đạt trạng thái giác ngộ. Như vậy chúng ta là những đứa con lầm lạc của Mẹ Đất và Cha Tinh Thần. Sống trong ngôi nhà tạm thời là thế gian này, chúng ta xa cách chỗ ở vĩnh cửu của mình, đó là cõi Chân không.

Điều này làm cho chúng ta suy ngẫm về trí thức và mối liên hệ của nó với tự ngã. Nên nhớ rằng ảo tưởng về tự ngã có sự hiện hữu thực sự và riêng biệt đối với mọi vật khác có thể được xem là nguyên nhân chính của những vấn đề về đời sống và sự chết; bám giữ vào đời sống và sợ chết vì nghĩ rằng chết là không được sống nữa. Có lẽ tâm trí phân biệt là dụng cụ tốt nhất của tự ngã để duy trì ảo tưởng này. Theo tôi hiểu thì trong tâm lý học Tây Phương, trí thức thường được xem là năng lực phát triển sau cùng trong một đứa trẻ. Thực ra trí thức đã hiện hữu trong trạng thái sơ khai ngay trong thai nhi. Khi trí thức phát triển thêm, nhận thức của chúng ta về thế giới trở nên lệch lạc. Tôi đã nói sơ lược về điều này. Bây giờ tôi sẽ nói thêm. Tất cả những nhận thức của chúng ta được lọc qua trí thức lại đưa chúng tới thức thứ bảy, Mạt na thức, có tính chất ngã chấp, vì vậy chúng ta tin rằng mình là một thực thể riêng biệt. Khi ý thức về cái “ta” phát triển và mạnh thêm qua thời gian, nó trở nên vững chắc hơn qua trí thức và có ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta về thế gian. Kết quả rõ ràng là chúng ta bắt đầu nghĩ và hành động cứ như mình là một thực thể riêng biệt đối với thế giới bên ngoài. Một cách vô thức, ý tưởng cái “ta”, hay tự thân, trở nên cố định và từ đó phát sinh những ý tưởng như “mình ghét cái này, mình thích cái kia; mình cần cái này, mình không muốn cái kia; cái này của mình, cái kia của họ”. Được nuôi dưỡng bởi những ý tưởng này, tự ngã sẽ ngự trị cá nhân, tấn công bất cứ cái gì đe dọa địa vị của nó và nắm vào bất cứ cái gì làm cho nó mạnh hơn. Tranh chấp, tham muốn và nhân cách, rồi rốt cuộc đau khổ, là những hệ quả không thể tránh được của tiến trình vòng quanh này. Cái tự ngã nhỏ này có thể ví như một cái khối u: Theo một nghĩa, nó không thuộc về cơ thể; theo một nghĩa khác, nó do cơ thể sinh ra. Hay như Huston Smith nói, “Tự ngã không phải là khung cửa dẫn tới đời sống thịnh vượng, mà là một phần thể xác bị bóp nghẹt. Nó càng lớn thì càng không nhận được dòng máu từ bi của đời sống mà sức khỏe của con người hoàn toàn tùy thuộc, và nó càng cảm thấy đau hơn”.

Tuy nhiên, chúng ta không nên xem thường cái tự ngã mưu mẹo này, vì khi những âm mưu của nó trở nên đau đớn không thể chịu nổi, chúng ta sẽ muốn thoát khỏi sự gò bó và đau đớn, muốn vượt qua những đau khổ này để đạt đến an lạc và trí tuệ

st














































































laitutran247
laitutran247

Tổng số bài gửi : 67
Age : 38
Location : 3181960
Registration date : 10/07/2008

http://www.dharmasite.net/

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết