DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Đốn ngộ tự tánh nhưng chưa sạch tập khí

Go down

Đốn ngộ tự tánh nhưng chưa sạch tập khí Empty Đốn ngộ tự tánh nhưng chưa sạch tập khí

Bài gửi  laitutran247 Fri Sep 10, 2010 8:16 am

41. Thư gởi phu nhân X… ở Hải Diêm (viết thay thầy Ngộ Khai)



Thân chính là cái gốc chuốc khổ, chán ghét nó chính là cơ sở để được vui. Do túc nhân sâu dày, hiện tại nhiều điều thiện, nên báo nặng nhiều kiếp biến thành báo nhẹ phải thọ trong đời hiện tại, mắc tai họa nhưng dũng mãnh tu trì thì sự đau khổ cõi Sa Bà biến thành đạo sư cho Cực Lạc. Nên nghĩ như mình phải trả nợ thì áo não, phiền muộn tự tiêu. Nếu sanh lòng oán hận thì tội nghiệp nối tiếp nhau khởi lên. Cảnh nghịch xảy đến hãy thuận chịu mới là người biết vui theo mạng trời. Chán cõi này, ưa cõi kia mới là người tu Tịnh niệm Phật. Nghĩ cư sĩ sùng tín đại pháp, nhờ vào đức hạnh trong đời lẽ ra phải được hưởng báo khỏe mạnh, bình yên; do duyên gì thân lại mang bệnh ngặt? Phải chăng là Di Đà Như Lai, Quán Âm đại sĩ tha tâm, thiên nhãn, phóng đại quang minh nhờ cơn bệnh huyễn của phu nhân để làm lời cảnh tỉnh cho những kẻ đồng nhân, ngõ hầu cứu vớt khắp mọi kẻ đang đắm chìm trong biển khổ?

Dám mong bà hãy sâu xa khuyên từ con, dâu, cho đến tôi tớ và xóm giềng, thân quyến bên ngoài đều cùng kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật, thì gia pháp của Tịnh Như ngàn năm mãi tốt đẹp, ngõ hầu tước lộc rỡ ràng, lưu danh thơm muôn đời. Như thế thì cái thân bệnh thê lương này trở thành mái chèo thoát biển khổ, lời than bệnh ủ rũ trở thành hướng dẫn tốt lành cho trần thế. Nào còn phải đợi chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn mới có thể vào cõi tục độ sanh, nào phải lên địa vị Bất Thoái mới có thể hiện thân thuyết pháp!

Kinh dạy: “Chí tâm niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Dạy người niệm Phật một tiếng hơn bố thí bảy báu suốt trăm năm! Chỉ cần chí tâm niệm Phật thì không bệnh nào chẳng lành, hãy theo vết chân thơm của bà phu nhân họ Phùng dạy người niệm Phật thì phẩm vị vãng sanh tối cao, chẳng kém khuôn mẫu tốt đẹp của Kinh Vương[20] phu nhân cho mấy. Dùng điều đó cầu đảo nơi Phật lập tức thấy thuyên giảm. Xin hãy dốc sức, chớ nên nghi ngờ. Thêm nữa, cuốn Di Đà Sớ Sao Hiệt (trích yếu Di Đà Sớ Sao) của Tịnh Như ngôn từ giản dị nhưng tinh xác, lý sâu nhưng dễ hiểu, là một cuốn sách quan trọng trong Tịnh Độ, quả thật là người hướng dẫn tốt lành cho kẻ sơ cơ, hãy nên đọc kỹ. Mong rằng có ai đến đem về mấy bộ để cuộc thí pháp của Tịnh Như được mở rộng.



42. Thư gởi Cố mẫu Từ phu nhân ở Hải Diêm (viết thay thầy Ngộ Khai)



Người tên X… lên núi, hỏi đến cuộc sống của bà, cho biết: Bà thường ngày đọc Thiền Lục, thường bàn luận công án. Ngu tôi cho rằng: Lúc tuổi già suy, nên siêng niệm Phật, lấy Tịnh Độ làm tông mới có thành tựu thật sự. Xin thử bàn xem: Thiền và Tịnh Độ lý vốn không hai. Nếu luận trên mặt Sự tu thì tướng trạng khác nhau một trời, một vực. Thiền nếu không triệt ngộ triệt chứng sẽ chẳng thể siêu xuất sanh tử. Vì thế, ngài Quy Sơn nói: “Nơi chánh nhân thì có thể đốn ngộ, còn xuất trần phải tiến từ từ theo thứ tự. Nếu đời đời bất thoái thì thành Phật quyết định có kỳ”. Lại nói: “Sơ tâm do duyên đốn ngộ tự tánh, nhưng hãy còn có tập khí từ vô thỉ bao kiếp chưa thể diệt ngay được, nên phải dạy ngươi trừ cho hết hiện nghiệp lưu thức”. Ngài Hoằng Biện[21] nói: “Đốn ngộ tự tánh bằng với chư Phật, nhưng chưa thể nhanh chóng hết sạch tập khí vô thỉ. Cần phải nhờ vào đối trị mới hòng khởi công dụng thuận theo Tánh được, như người ăn cơm chẳng thể ăn một miếng liền no ngay!” Ngài Trường Sa Sầm[22] nói: “Thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng quả Niết Bàn là vì công hạnh chưa bằng với chư thánh vậy”. Do vậy, Ngũ Tổ Giới lại trở thành Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh lại thành Lỗ Công. Cổ kim tông sư triệt ngộ nhưng chưa triệt chứng phần nhiều như vậy. Ấy là do chỉ cậy vào Tự Lực, chẳng cầu Phật gia bị, Hoặc nghiệp còn mảy may chưa tận thì sanh tử quyết chẳng thể thoát khỏi.

Tịnh Độ hễ có đủ ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh liền có thể đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh liền thoát sanh tử, kẻ ngộ chứng bèn mau lên Bổ Xứ, kẻ chưa ngộ cũng chứng A Bệ Bạt Trí (Bất Thoái Chuyển). Vì thế, Hoa Tạng hải chúng đều nguyện vãng sanh; các tri thức bên Tông, bên Giáo cùng sanh Tịnh Độ. Là vì hoàn toàn cậy vào Phật lực, lại thêm tự mình tâm khẩn thiết. Vì thế, được cảm ứng đạo giao; do vậy, mau thành Chánh Giác. Nay tôi vì bà tính toán: Hãy nên gạt bỏ hết Thiền Lục, chuyên tu Tịnh nghiệp. Dùng cái tâm mảy trần chẳng nhiễm trì thánh hiệu vạn đức hồng danh, hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm, không xen tạp, không gián đoạn. Niệm phải khởi từ tâm, tiếng lọt vào tai, từng chữ phân minh, từng câu chẳng loạn, lâu ngày chầy tháng sẽ tự thành phiến, đích thân chứng Niệm Phật tam-muội, tự biết Tây Phương tông phong. Đấy là đem cái công phu “xoay trở lại nghe nơi tự tánh” của Quán Âm để tu tịnh nghiệp “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thì tu Tịnh mà là Thiền, còn gì diệu bằng!



43. Thư trả lời cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ nhất)



Người niệm Phật cũng không phải là không được trì chú, nhưng Chủ và Trợ phân minh thì Trợ cũng quy về Chủ. Nếu cứ tràn lan không phân biệt, coi đều như nhau thì Chủ cũng không phải là Chủ. Chuẩn Đề và Đại Bi nào có hơn, kém; nếu tâm chí thành, pháp nào cũng linh. Tâm không chí thành, pháp nào cũng không linh! Một câu Phật hiệu bao quát trọn vẹn không sót cả Đại Tạng giáo. Người thông Tông, thông Giáo mới có thể thật sự làm người niệm Phật chân chánh. Nhưng người không biết gì, không làm được gì, chỉ cần miệng nói được thì cũng có thể là người niệm Phật chân chánh. Ngoài hai hạng này ra thì chân chánh hay không chân chánh đều là do chính mình có nỗ lực, có y giáo phụng hành hay không?

Còn như tu hành Tịnh Độ có lý quyết định không nghi, cần gì phải hỏi đến sự hiệu nghiệm nơi người khác! Dẫu người khắp thế gian đều không có hiệu nghiệm, cũng chẳng sanh một niệm nghi tâm, lấy lời thành thật của Phật, Tổ làm bằng chứng. Nếu hỏi đến sự hiệu nghiệm của người khác tức là chưa tin cùng cực vào lời Phật, phải lấy lời người để quyết định nên thành cái tâm mong ngóng, không thể thành tựu. Làm thân nam tử anh hùng, tráng liệt trọn chẳng đến nỗi bỏ Phật ngôn để tin lời người khác, tâm mình vô chủ, chuyên muốn lấy sự hiệu nghiệm của người ta để hướng dẫn tiền đồ, chẳng đáng buồn ư?

Tùy Tự Ý tam-muội chính là đường tu chung từ phàm đến thánh, tuy nói là Sơ Tâm Bồ Tát bao gồm hết thảy phàm phu, nhưng thật ra là hạng Sơ Trụ Bồ Tát phát trọn vẹn ba tâm, tam đức viên chứng trong Viên Giáo (nếu ước theo Biệt Giáo thì là Sơ Địa): Do lấy phát Lý tâm làm chánh nhân nên chứng Pháp Thân đức, do phát Huệ tâm làm liễu nhân nên chứng Bát Nhã đức, do phát thiện tâm làm duyên nhân nên chứng Giải Thoát đức. Vì thế có thể hiện thân mười pháp giới ứng khắp mọi căn cơ trong mười phương thế giới, thượng cầu hạ hóa; ông lại nói Sơ Phát Tâm chỉ là kẻ sơ phát tâm vừa mới phát tâm tu hành thôi ư? Ông thấy Kim Luân [chú pháp] đã dạy “ngộ pháp Nhị Không chứng lý Thật Tướng” liền hớn hở, vui mừng, bèn muốn gánh vác; Quang sợ ông bị ma dựa, nên trình bày rõ thân phận khiến cho ông trọn chẳng còn lầm lạc nữa. Ngộ pháp Nhị Không, chứng lý Thật Tướng chính là thân phận của Sơ Phát Tâm Bồ Tát vậy! Pháp được giảng trong sách ấy phàm phu đều có thể y theo đó để tu trì, nhưng đừng hiểu thân phận được sách nhắc đến là phàm phu [thật sự]! Thanh Văn, Duyên Giác có đại thần thông còn chẳng thể đạt đến, huống gì phàm phu! Lúc khắc in riêng sách ấy nên xem kỹ:

1) Vô trụ sanh tâm.

2) Chẳng trụ vào pháp để hành bố thí.

3) Tam luân thể không.

4) Ý nghĩa nhất đạo thanh tịnh.

(Bốn câu này là cương yếu của Phật pháp, người xem kinh tu hành phải nên biết) thì sẽ được thông hiểu lớn lao!

Quang muốn đem những nghĩa này làm thành bài tụng để người xem đến biết được cương yếu. Đã bàn cùng Úy Như nhưng bận rộn lắm việc chưa thể rảnh rỗi, phải đợi năm sau. Khắc in Thập Vãng Sanh Kinh[23] và ba thứ Tịnh nghiệp ban đầu trong Quán kinh để lưu truyền trong đời cũng được, tôi đã bảo với Úy Như nhưng chưa rảnh để sửa những chữ sai trong bản ấy, nên đem nguyên bản gởi đi. Chữ cổ tuy không sai, nhưng không nên dùng. Còn như nói quán thân, chẳng quán hết thảy, chỉ quán vô duyên thì vô duyên là Tùy Tự Ý tam-muội, nghĩa là tánh không, vô sở hữu; đã vô sở hữu nên không có gì để vin nắm (phan duyên). Nếu chẳng một nhát dao chặt đôi từ căn bản thì tâm duyên trùng trùng, giải thoát sao được? Mấy lời này giản lược cùng cực, nhưng ý nghĩa sâu rộng. Mong hãy bảo với ông Úy Như.

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang3.htm
laitutran247
laitutran247

Tổng số bài gửi : 67
Age : 39
Location : 3181960
Registration date : 10/07/2008

http://www.dharmasite.net/

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết