DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Sắp đọa địa ngục A Tỳ vẫn được vãng sanh

Go down

Sắp đọa địa ngục A Tỳ vẫn được vãng sanh Empty Sắp đọa địa ngục A Tỳ vẫn được vãng sanh

Bài gửi  laitutran247 Fri Sep 10, 2010 3:32 pm

47. Dạy những nghĩa lý về pháp môn Tịnh Độ và cách đối trị nóng giận



Đức Như Lai ra đời vốn nhằm làm cho các chúng sanh đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử mãi cho đến khi thành Phật mới thôi! Nhưng vì chúng sanh căn tánh không đều nhau, cho nên Như Lai phải thuận theo cơ nghi, nói ra hết thảy các pháp Đại - Tiểu, Quyền - Thật, Thiên - Viên, Đốn - Tiệm. Pháp tuy đủ mọi loại bất nhất, nhưng đều nhằm để thành thục thiện căn cho chúng sanh, khiến cho họ rốt ráo thành Phật. Nhưng đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử há phải dễ dàng ư? Nếu chẳng phải thuộc hai loại người, [tức là] hạng đã gieo trồng [hạt giống] từ trước đến nay chín muồi và hàng Pháp Thân thị hiện, thì dù có tu trì cũng chẳng thể ngay trong đời này, hoặc trong một hai đời giải quyết nhanh chóng được! Kẻ căn cơ độn dù trải qua kiếp số lâu xa vẫn khó thể liễu thoát bởi lẽ chỉ cậy vào tự lực! Như Lai nghĩ thương chúng sanh tự lực liễu thoát khó khăn, nên bèn đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật thì tuy là tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng sắp đọa địa ngục A Tỳ vẫn được vãng sanh. Huống chi những ai không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện ư? Huống gì những Phật tử thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới ư?

Pháp môn Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn, chính là để tiếp dẫn căn khí Thượng Thượng, và là tiếp dẫn kèm thêm hạng trung hạ. Kẻ ngu thường hay chê [pháp này] là thiển cận, Tiểu Thừa, nói chung là vì do chưa đọc kinh luận Đại Thừa, chưa gặp được bậc thông suốt có đầy đủ con mắt, dùng cái tâm điên đảo, chấp trước của chính mình để dò lường đạo thông suốt từ ban đầu cho đến chung cục của Như Lai. Như kẻ mù nhìn mặt trời, như kẻ điếc nghe sấm, cố nhiên bọn họ chẳng thấy, chẳng nghe, cho nên mới bình luận lầm lạc! Phải biết: Một pháp Tín Nguyện Niệm Phật chính là lời tuyên thuyết phát xuất tâm từ bi triệt để phổ độ chúng sanh của đức Như Lai; chỉ có các vị Bồ Tát như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… mới có thể gánh vác rốt ráo. Bọn họ thấy ngu phu, ngu phụ đều có thể niệm Phật bèn coi [pháp này] là thiển cận, là Tiểu Thừa, có khác gì thấy ngôi sao treo nhỏ tí trên không trung bèn cho trời là nhỏ nhoi, thấy con trùng bé xíu bò trên đất bèn cho là đất cỏn con hay chăng?

Nếu có thể tin tưởng được pháp này thì chính là nhiều đời nhiều kiếp đã gieo sâu thiện căn. Nếu có thể dùng lòng tín nguyện sâu xa trì danh hiệu Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối thì chính cái tâm phàm phu ấy sẽ biến thành Như Lai Tạng, như người nhiễm mùi hương thân có mùi thơm. Hiện tại được tiếp xúc với khí phận của Phật, lúc lâm chung lẽ nào chẳng cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn hay sao? Những pháp như nhiếp tâm niệm Phật và tùy phận tu trì, tùy duyên hóa đạo, cũng như duyên do của Thiền Tông, Tịnh Tông, Phật lực, tự lực lớn - nhỏ, khó - dễ đã được trình bày tường tận trong Ấn Quang Văn Sao, xin hãy lắng lòng đọc kỹ ắt sẽ tự biết, nên ở đây không ghi lại cặn kẽ.

[color=#40BF00]Chỗ quan trọng trong việc tu hành chính là đối trị tập khí 4000FF]]phiền não. Tập khí ít đi một phần thì công phu tiến thêm được một phần. Có người càng ra sức tu hành, tập khí càng dấy động là vì chỉ biết tu trì theo mặt sự tướng, chẳng biết phản chiếu hồi quang, kiên quyết trừ khử những vọng tình trong tâm họ mà ra. Nếu ngay trong lúc bình thời đã đề phòng sẵn, thì lúc gặp cảnh đụng duyên, phiền não sẽ chẳng phát khởi. Nếu bình thời biết được thân tâm ta đây hoàn toàn thuộc về huyễn vọng, cầu lấy thực thể, thực tánh của Ngã hoàn toàn chẳng thể được thì đã không có Ngã, nào còn có nhân cảnh (cảnh nơi nhân), nhân nhân (đối tượng con người nơi nhân) mà hòng sanh khởi những chuyện phiền não! Đây chính là phương pháp giải quyết tối thiết yếu từ trên căn bản vậy! Nếu như chẳng thể hiểu chắc thật Ngã Không, hãy nên nương theo pháp Ngũ Đình Tâm Quán đức Như Lai đã dạy để đối trị (Ngũ Đình Tâm nghĩa là dùng năm pháp này để điều hòa, ngưng lặng cái tâm, khiến cho tâm an trụ, chẳng bị chuyển theo cảnh nữa!) Có nghĩa là: Chúng sanh nhiều tham thì hành Bất Tịnh Quán; chúng sanh nhiều sân thì hành Từ Bi Quán; chúng sanh nhiều tán loạn thì hành Sổ Tức Quán; chúng sanh ngu si thì hành Nhân Duyên Quán, chúng sanh nhiều chướng thì hành Niệm Phật Quán.

Tham có nghĩa là thấy cảnh bèn dấy lòng yêu thích. Chúng sanh trong Dục Giới đều do dâm dục mà sanh. Dâm dục do ái sanh. Nếu có thể quán sát mỗi mỗi kỹ càng thân mình, thân người từ ngoài vào trong thì chỉ thấy hờm đất, mồ hôi, đờm rãi, tóc, lông, móng, răng, xương, thịt, máu, mủ, đại tiện, tiểu tiện, thối như xác chết, bẩn như chuồng xí, ai có thể sanh lòng tham ái đối với vật này cho được! Tham ái đã dứt thì tâm địa thanh tịnh. Dùng tâm thanh tịnh niệm danh hiệu Phật, như chất ngọt được trộn lẫn, như vải trắng ăn màu, dùng Nhân Địa Tâm khế hợp Quả Địa Giác, sự giảm được nửa mà công gấp bội, lợi ích khó nghĩ suy!

Sân là thấy cảnh khởi tâm bực bội, chán ghét. Người phú quý thường hay nóng giận. Phàm mọi chuyện muốn được như ý phải có người [để sai bảo], hễ hơi chút sai trái liền sanh phẫn nộ, nhẹ thì buông lời dữ ác, nặng thì roi vọt vụt đánh, chỉ cốt khoái ý mình, chẳng đoái hoài người khác đau lòng! Lại nữa, tâm sân nếu khởi lên thì vô ích cho người, tổn hại cho mình, nhẹ thì cũng khiến cho tâm ý bực bội, xáo động; nặng thì gan lẫn mắt đều bị tổn thương. Hãy nên giữ sao cho trong tâm thường có một khối nguyên khí thái hòa thì bệnh tật tiêu diệt, phước thọ tăng trưởng. Xưa kia vua A Kỳ Đạt (A Xà Thế) cả đời thờ Phật, giữ vững năm giới, khi lâm chung do người hầu cầm quạt đuổi ruồi, quạt lâu mệt mỏi, hôn trầm, đánh rơi cây quạt rớt trúng mặt vua, tâm vua sanh phiền hận, ngay lập tức mạng chung. Do một niệm ấy liền mang thân mãng xà. Do sức túc phước, còn biết được nhân ấy bèn cầu sa-môn dạy cho Tam Quy, Ngũ Giới, liền thoát thân mãng xà, sanh lên trên trời. Do vậy biết thói nóng giận gây hại rất lớn. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Một niệm sân tâm khởi, trăm ngàn cửa chướng mở!” Cổ đức nói: “Sân là lửa trong tâm, cháy trụi rừng công đức. Muốn học đạo Bồ Đề, nhẫn nhục phòng tâm sân”.

Như Lai dạy chúng sanh nhiều sân tu Từ Bi Quán như sau: Xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai. Đã là cha mẹ trong quá khứ thì nên nghĩ đời trước họ có ân đức sanh thành, dưỡng dục, thẹn chưa thể báo đáp, há có nên vì chuyện trái ý nhỏ nhặt bèn ôm lòng phẫn nộ ư? Đã là vị lai chư Phật ắt sẽ rộng độ chúng sanh. Nếu ta chưa giải quyết được sanh tử, vẫn mong họ đến độ thoát! Chẳng những chuyện trái ý nhỏ nhặt không nên nổi nóng, dẫu là chuyện táng thân mất mạng cũng chỉ sanh hoan hỷ, chẳng sanh sân hận! Vì vậy, lúc Bồ Tát xả đầu, mắt, tủy, não, đều xem người xin những thứ ấy như thiện tri thức, coi như ân nhân, coi như người thành tựu đạo Bồ Đề vô thượng cho mình. Xem phẩm Thập Hồi Hướng trong kinh Hoa Nghiêm sẽ tự biết.

Lại nữa, một niệm tâm tánh của chúng ta và chư Phật không hai. Chỉ vì mê trái bổn tâm, chấp chặt Ngã Kiến nên hết thảy các duyên đều thành đối đãi. Như cái bia để bắn đã lập thì các mũi tên đều nhắm vào. Nếu biết được tâm ta vốn là tâm Phật, Phật tâm không, vô sở hữu. Giống như hư không: Sâm la vạn tượng không gì chẳng bao gồm. Cũng như biển cả: Trăm sông mọi nguồn nước không gì chẳng dung nạp. Như trời che chở khắp, như đất nâng bình đẳng, chẳng coi chuyện che chở, nâng đỡ là đức. Nếu ta do chuyện nghịch ý nhỏ nhặt bèn sanh nóng giận thì chẳng những khiến cho tâm lượng chính mình thành hẹp hòi, mà còn tự đánh mất cả đức. Tuy có đủ Phật tâm lý thể nhưng khởi tâm động niệm toàn là xử sự theo phàm tình, coi vọng là chân, biến tớ thành chủ; suy nghĩ như thế há không hổ thẹn ư? Nếu bình thời thường nghĩ như thế thì tâm lượng sẽ rộng lớn, không gì chẳng dung được, coi muôn loài như chính mình, chẳng thấy đây - kia. Điều nghịch xảy đến còn thuận chịu được, huống gì những chuyện trái ý nhỏ nhặt mà lại sanh nóng giận ư?

Ngu si nghĩa là hoàn toàn không có tri thức, tức là nói thế nhân đối với cảnh duyên thiện - ác chẳng biết đều là do túc nghiệp chuốc lấy, do hành vi trong hiện tại cảm lấy, lầm lạc bảo là không có nhân quả báo ứng, và những chuyện đời trước, đời sau v.v… Hết thảy chúng sanh không có con mắt Huệ, nếu không chấp Đoạn thì lại chấp Thường. Chấp Đoạn là nói con người bẩm thụ khí chất của cha mẹ mà sanh ra, trước lúc được sanh ra vốn chẳng có vật gì, đến lúc chết rồi, hình hài đã mục nát thì hồn cũng phiêu tán; làm gì có đời trước cũng như đời sau! Những nhà Nho câu nệ, hẹp hòi cõi này đa phần nói như thế. Chấp Thường là nói con người thường làm người, súc vật thường làm súc vật; chẳng biết nghiệp do tâm tạo, hình tùy tâm chuyển.

Thời cổ có kẻ cực độc từ ngay nơi thân ấy biến thành mãng xà, có kẻ cực tàn bạo, ngay từ chính nơi thân ấy biến thành cọp. Ngay trong lúc nghiệp lực đang mạnh mẽ, dữ dội, còn có thể biến đổi được hình thể, huống chi nhằm lúc sau khi chết đi, trước lúc được sanh ra, thức do nghiệp lôi kéo mà chuyển biến ư? Do vậy, đức Phật nói mười hai nhân duyên chính là lời luận bàn xuyên suốt cả ba đời. Nhân trước ắt cảm lấy quả sau, quả sau ắt có nhân trước. Báo ứng thiện - ác, phước - họa xảy đến đều do tự mình làm, tự mình chịu, nào phải trời giáng xuống! Chẳng qua do hành vi của người ấy mà trời đứng ra làm chủ mà thôi.[21] Sanh tử tuần hoàn chẳng có cùng cực, muốn khôi phục bổn tâm để liễu sanh tử mà bỏ tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì chẳng thể được! Ba thứ Tham - Sân - Si là căn bản của sanh tử. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh chính là diệu pháp để liễu sanh tử. Muốn bỏ ba thứ ấy thì cần phải tu ba pháp này. Ba pháp này tu đắc lực thì ba thứ ấy tự tiêu diệt. Pháp quán Sổ Tức không nhất thiết phải dùng, bởi lẽ trong lúc niệm Phật nhiếp tai lắng nghe thì sự nhiếp tâm ấy tương tự Sổ Tức, nhưng lực dụng khác Sổ Tức một trời một vực. Về pháp quán trong khi Niệm Phật chỉ cần xem Ấn Quang Văn Sao và những trước thuật Tịnh Độ sẽ tự biết.

Hỏi: Nếu như nói: “Dẫu táng thân mất mạng cũng chỉ sanh hoan hỷ, chẳng sanh nóng giận”, thì giả sử như có người ác đến hại mình cũng chẳng bận tâm, mặc cho họ giết chóc ư?

Đáp: Phàm người tu hành có người là phàm phu, có vị là Bồ Tát đã chứng Pháp Thân. Lại có người lấy việc duy trì thế đạo làm chủ, có người lấy liễu giải tự tâm làm chủ. Nếu chỉ nhằm liễu giải tự tâm và là bậc Bồ Tát đã chứng Pháp Thân thì giống như trên đã nói: Coi muôn vật và ta như nhau, sống - chết hệt như nhau. Nếu là kẻ phàm phu, lại muốn duy trì thế đạo thì suy nghĩ nên giống như Bồ Tát từ bi lớn lao, sâu xa, không gì chẳng dung nạp, nhưng xử sự thì vẫn phải y theo lẽ thường của thế gian, hoặc làm chuyện ngăn cản, chế ngự để nhiếp phục, hoặc dùng nhân từ để cảm hóa. Sự việc chẳng nhất loạt giống nhau, nhưng tâm nhất quyết chẳng được có lòng sân độc, kết thành oán hận! Những điều chỉ dạy trong đoạn văn phía trước chính là để dạy người “dùng chuyện giả dụ nhằm tiêu diệt tập khí nóng giận”. Nếu pháp quán này thành thục thì tập khí nóng giận tự diệt. Dẫu gặp phải cảnh hại thân thật sự cũng vẫn giữ được tấm lòng thản nhiên, hành đại bố thí. Nhờ vào công đức ấy liền sanh về Tịnh Độ. So với chuyện giết chóc lẫn nhau, bao kiếp dài lâu báo đền thì chẳng phải là cách biệt như trời với đất ư?

http://niemphat.net/Luan/anquangvs/anquang17.htm
laitutran247
laitutran247

Tổng số bài gửi : 67
Age : 39
Location : 3181960
Registration date : 10/07/2008

http://www.dharmasite.net/

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết