DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Hạ Thủ Công Phu - Tu Chính Là Quyền Lực

Go down

Hạ Thủ Công Phu - Tu Chính Là Quyền Lực Empty Hạ Thủ Công Phu - Tu Chính Là Quyền Lực

Bài gửi  Van hoa doanh nghiep Wed Jun 03, 2009 2:04 pm

Hơi Thở Tinh Khôi
Hạ Thủ Công Phu - Tu Chính Là Quyền Lực


Làm một hành giả

Hành giả là người chuyên tâm thực hành thiền và các lời dạy của đức Phật trong khi học giả chủ yếu nghiên cứu và diễn giải. Hành giả nên là đệ tử của một thiền sư hay vị tu sĩ có nhiều kinh nghiệm không chỉ trong việc thực hành thiền mà còn hiểu biết về các giáo pháp. Quan sát và gần gũi thầy mình giúp hành giả học hỏi thật nhiều từ cách đi đứng, ăn nói và hành vi ứng xử hàng ngày. Hành giả gìn giữ giới luật nghiêm túc và tham gia đầy đủ các buổi công phu của tăng thân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành thiền. Cư sĩ cần giữ Năm giới, Sa Di cần giữ Mười giới và nam Khất sĩ cần giữ 307 giới. Tứ Niệm Xứ là cơ sở phát triển Thiền Minh Sát, hành giả có thể thực tập Tứ Niệm Xứ hoặc Thiền Minh Sát đều được, miễn sao tiếp xúc được với thực tại cùng tột và có hạnh phúc trong hiện tại. Kinh Quán Niệm và Thiền Quán Niệm đề cập rất rõ phương pháp thực hành Tứ Niệm Xứ, nên học hỏi và hạ thủ công phu.

Trong quá trình thực tập, chắc chắn sẽ có những hạnh phúc và khó khăn, đừng ngại chia sẻ với thầy của mình, lắng nghe để có thể hiểu biết và thực tập đúng đắn hơn. Dù cho máu có khô cạn, da gân có bào mòn, thịt xương có tan chảy, vẫn miên mật thực tập không từ bỏ bất cứ cố gắng nào. Nói ít nhưng làm nhiều, nếu nói nhiều quá, không có thì giờ lắng nghe và thực tập. Ăn uống điều độ đủ chất dinh dưỡng, chú ý đến quân bình âm dương và nên áp dụng phương pháp ăn uống Oshawa. Sức khỏe vừa đủ giúp việc hành thiền diễn ra trôi chảy không bị gián đoạn. Nhớ điều phục sáu căn, đừng để cho nó chạy theo tiếng gọi của sáu trần, biết nhận diện và chuyển hóa. Thực tập từ chối mọi lời mời, những lời dục vọng thấp hèn và nên mời người khác cùng thực tập với mình để gia tăng năng lượng. Trong mọi cử động dù chậm hay nhanh đều phải chú ý, chậm biết là chậm và nhanh biết là nhanh, nhưng chậm mà chắc vẫn hơn. Thật đáng khen nếu có thể ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng nhẹ nhàng và làm việc thảnh thơi. Thân tâm phải ở tình trạng tinh tấn, chánh niệm và tỉnh thức. Ba yếu tố này giúp hành giả không bị đi lạc, chỉ an trú trong việc thực tập. Không cần phải vồn vã hay ép buộc vào khuôn khổ, cứ tự nhiên và thoải mái, dần dần việc thực tập thành điều hiển nhiên, thực tập giống như không thực tập.

Hành giả vẫn sinh hoạt và làm các công việc hàng ngày bình thường nhưng nhớ rằng các giờ sinh hoạt và làm việc cũng là các bài hành thiền. Người bận rộn vì thế vẫn thực tập được, nhiều khi còn giỏi hơn người ít bận rộn. Đức Phật dạy thầy Mục Kiền Liên trong kinh Thắp Lại Ánh Sáng Nội Tâm về các phương pháp chấm dứt hôn trầm, buồn ngủ… Thường xuyên đọc các bài kệ khuyến khích mình tinh tấn, không thể thành tựu đối với người lười biếng và dễ duôi. Tham gia các buổi pháp đàm, chia sẻ với thầy, học hỏi kinh nghiệm thực tập và nâng cao khả năng nương tựa lẫn trong thực tập. Nói lên những điều còn thắc mắc muốn được làm sáng tỏ phục vụ cho hành thiền đúng phương pháp, tuy nhiên không sa vào tranh cãi hay biện minh quan điểm. Thực tập một mình hay thực tập chung với tăng thân không quan trọng, điều cần thiết là lựa chọn môi trường thực tập yên tĩnh, có nhiều điều kiện và thì giờ thực tập. Nếu thực tập một mình thì cần biết cách tự khuyến khích thúc đẩy, nếu thực tập chung thì cần lựa chọn nhóm người có ý chí như mình hoặc giỏi hơn mình. Tận dụng các dấu hiệu nhắc nhở bản thân thực tập chánh niệm. Tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ, chuông điện thoại, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, thậm chí tiếng em bé khóc hay tiếng còi xe hơi… đều có thể là các dấu hiệu đánh thức, ngụ ý hành giả phải tỉnh thức, theo dõi hơi thở hay tâm của mình.

Dứt bỏ những điều âu lo

Nhiều sư chú thực tập thậm chí giỏi hơn sư thầy hay sư phụ của mình vì không phải lo lắng gì. Trong khi đó, sư thầy phải lo các công việc của tăng thân, sư phụ lo cho chùa nên nhiều khi quên thực tập. Làm việc thì cứ làm, lo thì cứ lo nhưng làm và lo phải có chánh niệm, thực tập ngay trong cái làm cái lo đó. Những lo âu quá mức ràng buộc hành giả xa rời việc thực tập, rơi vào thất niệm và tâm trở nên tán loạn. Sư phụ lo cho đệ tử là dĩ nhiên nên khi thực tập, mọi lo toan vui lòng bỏ qua một bên, chuyên chú vào thực tập thôi. Lo âu mãi chắc chắn không thể chánh niệm được, nói chi đến đạt yếu tố định và tiến xa hơn. Sư phụ mà thực tập không giỏi bằng các sư chú, sư đệ hay sư em thì làm sư phụ làm gì. Người thuyết pháp giỏi chưa chắc thực tập giỏi nhưng người thực tập giỏi có khả năng chia sẻ và truyền đạt giá trị hơn. Nhiều giảng sư chỉ châm mẫm lo việc thuyết pháp khắp nơi, xây đắp tên tuổi, gầy dựng người hâm mộ và hả hê trong những lời khen tặng. Họ đánh mất mình hồi nào không hay trong khi quên rằng mục đích của người tu là tu, tu tức là sửa đổi và thực tập. Người tu mà không biết tu, không biết thực tập trở thành người máy có thương hiệu là tu sĩ. Nhiều đạo trạng thích khuyếch trương số lượng tu sĩ, khoe khoang về tu viện mình có những khóa tu rất đông người và thu hút hằng hà sa số tu sĩ đến tu tập nhưng chất lượng tu học chẳng được quan tâm đến. Người ta đến tu viện để có cơ hội thực tập, nâng cao phẩm chất của mình, không phải để nghe khoe khoang năm nay tu viện mở được bao nhiêu cơ sở trên khắp thế giới. Con người dù sống trăm năm mà không tu không bằng người sống một ngày có tu. Tu không bị kẹt vào hình thức, không nhất thiết phải xưng tán cho giỏi, phải đi đứng cho ngay hay phải chứng minh mình là người tu giỏi nhất. Người tu giỏi không cần chứng minh bản thân với bất cứ ai, càng chứng minh bao nhiêu càng sai đường bấy nhiêu, bản ngã càng lớn và chẳng bao giờ giỏi được. Người làm chức càng cao trong tự viện càng khó tu vì họ thường có sĩ diện lớn, họ cho mình cái quyền nhận xét người khác, bài bác hay chỉ trích người khác và chỉ có mình là đúng. Làm đến chức thượng tọa, đại đức hay hòa thượng mà không biết thảnh thơi, không biết cười cứ lo rầu thì không bằng một chú tiểu chỉ mới cạo tóc có ba ngày mà lúc nào cũng vui cười, hồn nhiên, dễ thương biết bao. Tất cả những điều này ngăn cản hành giả tiến xa trên con đường tu tập. Phải biết buông bỏ và học theo các hạnh Bồ Tát, đồng thời phát nguyện thật mạnh để có đủ năng lượng và chất liệu vững chãi đưa ta đi một cách tự tại.

Hành giả hay lo về cái ăn cái mặc, đơn giản vì trong lòng có nhiều sợ hãi và phóng tâm. Hoặc đưa ra danh sách các nhu cầu cần được phục vụ trong quá trình thực tập, và nếu không được đáp ứng thì bực tức khó chịu. Nghĩ ngợi nhiều đến các mối quan hệ trong tự viện cũng cản trở con đường tinh tiến. Nếu bàn cách làm thế nào lấy lòng sư thầy, làm thế nào để sư phụ chú ý đến hay làm thế nào để được thăng tiến thì thôi ra đời đi làm cho rồi, ở trong chùa làm chi mà tính toán những chuyện này. Trong tự viện còn có tình trạng đưa hối lộ và tham nhũng thì thật đáng tiếc. Sư phụ có bao giờ cần hành giả làm những chuyện như vậy, tu tập và tiến bộ theo chánh pháp của đức Phật là cách cúng dường cao thượng nhất, là tu sĩ, đừng bao giờ quên điều đó. Hành giả cũng hay lo âu về bệnh tật. Dù bệnh vẫn có thể hành thiền, thiền trong tư thế nằm rất hay, vẫn có hạnh phúc như thường và hơn thế nữa, sống chung an lạc với căn bệnh của mình. Có người lo cho thực tập của người khác nhưng lại không lo thực tập cho mình. Điều này nói ra nghe có vẻ cao thượng, biết hy sinh, nhưng thực ra rất dại dột. Bản thân thực tập chưa tới đâu mà hướng dẫn người này người kia thực tập, việc hướng dẫn có thể sai lạc. Tu sĩ phải giúp các chúng sanh là chuyện đương nhiên nhưng khi giúp phải chắc chắn, phải thực tập giỏi đã và chỉ nên hướng dẫn những bài thực tập mà mình thực sự hiểu rõ và có hạnh phúc. Bản thân không có hạnh phúc thì chẳng thể nào giúp người khác hạnh phúc được, nếu như không nói rơi vào tình huống vọng ngữ. Cái gọi là quyền hành trong tự viện là một thứ quyền lực bệnh hoạn khi tự cho mình cái quyền quản lý tu sĩ hay ra lệnh trừng phạt. Tăng thân là nơi giúp nhau chuyển hóa và thực tập hạnh phúc, đâu phải để ai quản lý ai hay ai trừng phạt ai. Kinh Hải Đảo Tự Thân dạy rõ ràng hành giả phải tự thắp đuốc lên mà đi, lấy giáo pháp của đức Phật làm nền tảng và bước đi, không đứng ì ạch một chỗ. Người chấp vào quyền thế của mình còn lâu mới tu được, người khôn không bao giờ lấy quyền lực trong tự viện làm mục đích. Tu chính là quyền lực, người sớm tối chỉ lo tu quyền lực rất lớn.

(Sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Tác giả: Thích Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh

Van hoa doanh nghiep

Tổng số bài gửi : 54
Location : Vietnam
Registration date : 05/05/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết