DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Kênh Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới

Go down

Kênh Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới Empty Kênh Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới

Bài gửi  Van hoa doanh nghiep Tue Aug 11, 2009 8:07 am

Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại
Kênh Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới


Truyền hình ngày nay có quá nhiều tin giật gân, đơn giản vì các phóng viên thích “scandals” để có thể thu hút nhiều khán giả. Tình trạng người trẻ ngày càng bạo động và suy nghĩ bất cần đời vì bị nhiễm những hình ảnh bạo động, ủy mị, chán chường hay đau đớn trên màn ảnh. Có những thông tin không đúng với sự thật và cũng có thông tin đúng với sự thật được thêm màu mè cho hấp dẫn, nhưng cái gì thêm thắt thì không còn đúng nữa. Có nhiều kênh chính trị tuyên truyền những cái hay của một đảng phái nhưng chuyên đi nói xấu người khác, tự đề cao bản thân và cố tình bôi nhọ đối tượng mình cho là đối lập. Truyền hình hay phát thanh là một phương tiện của báo chí nên đưa những tin giật gân như cướp bóc, ô nhiễm, tệ nạn, thảm sát, giết người, đánh nhau, chiến tranh, bạo động,… nhưng cái mà họ tường thuật mang tính nói cho hết thời gian và sau đó chẳng hề có bất cứ giải pháp nào giải quyết vấn đề hay ca ngợi tình thương, nếu có cũng nằm trong phạm vi của tiêu thụ, lên án và tự khen mình. Hôm nay tôi có xem chương trình thời sự 12 giờ của kênh HTV9, trong khoảng 12 tin đưa ra có ít nhất chín tin hoàn toàn không tốt và với cách nói chuyện khá lấp lửng với những câu nhận xét mơ hồ không đi đến đâu, và đặc biệt họ nói chuyện rất nhanh như bị ma đuổi vì sợ không kịp thời gian ngắn ngủi dành cho buổi phát sóng. Với tất cả những điều này nhất thiết phải có kênh truyền hình Phật giáo lấp đầy khoảng trống hớ hênh của truyền hình. Con người xem truyền hình như cái máy xem, vừa xem vừa ăn, nói chuyện hay cười giỡn ồn ào và có khi hoàn toàn dính mắc vào đó. Có người ăn uống, ngủ nghỉ theo tâm trạng của truyền hình nhiều hơn của chính mình. Kênh truyền hình Phật giáo được phát trên toàn thế giới bằng cáp hay vệ tinh với hàng trăm thứ tiếng khác nhau nhằm mục đích giáo dục hay chia sẻ kinh nghiệm chuyển hóa khổ đau, thực tập hạnh phúc hơn là tuyên truyền tôn giáo. Kênh này không nhắm tới việc cổ xúy cho chính trị nhưng lại hỗ trợ người làm chính trị rất nhiều. Khi xã hội có điều kiện thực tập hạnh phúc, họ sẽ theo dõi chương trình và áp dụng vào việc sống sâu sắc trong hiện tại, đồng thời xây dựng môi trường ôn hoà cũng như cộng đồng bất bạo động. Thông tin trên Truyền Hình Phật Giáo Thế Giới không dẫn con người đến siêu hình hay phơi bày khổ đau, mà ngược lại nêu lên những thực tiễn của hạnh phúc, ôm ấp nỗi khổ niềm đau và chuyển hoá thành niềm an lạc, biến mỗi con người thực tập hoà bình cho tự thân, bảo vệ môi trường và yêu thương muôn loài. Thật vô lý khi có quá nhiều kênh thời sự và giải trí nhưng hầu như không thấy kênh Phật giáo toàn cầu nào. Truyền hình giải trí có bao giờ chứng minh tính hoà bình thực sự của chúng đâu. Con người có quyền thừa hưởng những di sản của Phật giáo, đem tinh thần Phật giáo vào đời sống hàng ngày và sống với niềm tin vào hoà bình của nhân loại. Truyền hình Phật giáo không thể là tờ nhật trình mang tính tường thuật, mà nói về đời theo hướng hiểu biết và thương yêu hơn là chỉ trích, lên án và tuyên truyền. Theo đó áp dụng không ngừng nghỉ Năm giới Cư sĩ và 14 giới tiếp hiện làm nền tảng cho những lời bình luận, lời khuyên hay lời chia sẻ. Các phát ngôn viên có thể là tu sĩ, cư sĩ hay người thực tập Phật giáo chỉ sử dụng lời nói ái ngữ và hoàn toàn không đứng về phe nào của xã hội hoặc chính trị. Sứ mệnh của họ là xây dựng hoà bình, giáo dục người trẻ tu tâm dưỡng tánh cũng như làm thế nào sống yêu thương đích thực, tận hưởng hạnh phúc chân thật trong hiện tại.

Động đất tại Ý xảy ra rạng sáng 6-4-2009 ở khu vực miền Trung cho thấy con người không hề biết khi nào mình sẽ chết, chết ra sao và làm sao chết. Trong số những người chết, người trẻ không phải ít. Những toà nhà theo kiến trúc Ý dù cổ hay hiện đại cũng sụp đổ minh chứng cho điều mà mình sáng tạo, tự hào hay dính mắc vào cũng trở về cát bụi. Truyền hình Phật giáo khuyên tấn người trẻ tu tập và sống sâu sắc trong hiện tại ngay khi họ còn trẻ, không có đợi đến lúc bệnh tật hay già nua mới tu vì con người sống nay chết mai, biết sống an lạc ngay bây giờ rồi ngày mai chết cũng không nuối tiếc. Liên Hiệp Quốc thành lập kênh truyền hình này không nằm ngoài mục đích đó. Hoà bình mà tổ chức cố gắng xây dựng sẽ tan tành mây khói khi Địa Cầu cứ thiên tai, bệnh tật triền miên. Người giàu hay nghèo đều phải chết và nếu chết bất đắc kỳ tử trong đau đớn vẫn chưa kịp tu tập thì uổng lắm. Anan sử dụng thông điệp của Phật giáo nói chuyện với người trẻ toàn thế giới trên truyền hình Phật giáo về việc gìn giữ Năm giới Cư sĩ và sống an lạc ngay bây giờ, hơn là chạy theo các chủ nghĩa tiêu thụ và đấu tranh cho những điều làm tàn hại con người. Các nhà chính trị ở Ý khi động đất diễn ra đã làm việc hết sức mình để huy động lực lượng cứu người, nhưng nỗi đau mất người thân và tài sản khó có thể chuyển hóa ngay tức khắc mà cần có thời gian. Nhà chính trị biết thực tập hướng dẫn người dân cách thức chuyển hóa khổ đau và sống yêu thương trong từng phút giây của khổ đau. Người thân ra đi nhưng lại được tiếp nối bởi chính người còn sống và sự qua đời của họ không minh chứng cho kết thúc mà sự khởi đầu mới đang diễn ra. Người còn sống vì vậy sẽ sống hạnh phúc và yêu thương hết lòng để sự tiếp nối tốt đẹp, cả người còn sống và chết đều an lành. Buộc tội những người xây dựng kém chất lượng ở Ý làm cho thực tại càng thêm đau khổ. Chẳng có ai hạnh phúc khi đi buộc tội người khác. Chính quyền Ý lo tập trung cứu hộ và giúp đỡ người còn sống trước tiên, sau mới nghĩ đến chuyện tìm hiểu các nguyên nhân gây đau khổ khác.

Kênh truyền hình Phật giáo trực tiếp các bài pháp thoại của tất cả các nhà sư trên toàn thế giới, trong đó không thể không nhấn mạnh các tiết mục giải trí mang tính giáo dục tôn trọng thiên nhiên, đề cao giá trị gia đình và xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em. Phần lớn thời gian phát sóng dùng để hướng dẫn thiền tập và chia sẻ các câu chuyện chuyển hóa khổ đau từ người thật việc thật. Những người không thể đến tự viện tu tập có thể sử dụng kênh truyền hình này làm chất xúc tác cho thực tập tại gia, nơi công sở hay văn phòng làm việc. Một chương trình đặc biệt dành cho các nhà chính trị trong việc áp dụng tinh thần Phật giáo vào trong các chiến lược phát triển đất nước của mình. Nhà chính trị đã có đời sống chính trị của riêng họ nhưng đời sống tâm linh làm cho họ thêm có đức tin, chính đức tin này thúc đẩy bản thân sử dụng quyền lực mang âm hưởng của tình thương để quản lý xã hội bằng đức trị hơn là pháp trị. Pháp trị mang tính trừng phạt, tạo sự sợ hãi và trấn áp người khác. Trong khi đó, đức trị mang tính chuyển hóa, bao dung, giáo dục và xây dựng. Sử dụng đức trị vào con đường chính trị tức là sử dụng tôn giáo vào việc chăm nom đất nước. Nguyên thủ quốc gia nuôi dưỡng đất nước mình, không phải cai trị đất nước nên dù nắm quyền sinh sát trong tay cần sử dụng đức trị để không lạm dụng quyền hạn. Làm Tổng thống hay Chủ tịch nước rất khó giữ giới tôn trọng sinh mạng vì một số quyết định phải ban hành án tử hình. Để tránh trường hợp này xảy ra, quốc gia không nên áp dụng bất kỳ án tử hình nào và trong luật không cần thiết có án tử hình. Nhà chính trị thích tôn thờ một vị anh hùng, người từng làm chính trị hay từng chiến đấu trên sa trường hơn là tôn thờ một người thực tập tình thương. Nhưng dù anh hùng cỡ nào cũng không thể nhắc tới mãi vì thời gian sản sinh biết bao nhiêu vị anh hùng. Chắc chắc trước công nguyên cũng có anh hùng và trong tương lai sẽ có nhiều anh hùng nữa. Anh hùng cần phải định nghĩa lại, người thực sự anh hùng là người chiến thắng được mình, chiến thắng được kẻ thù bằng lòng bao dung, hiểu biết và thương yêu.

Kênh truyền hình có tác dụng xây dựng hoà bình phù hợp với các nền văn hóa khác nhau và được thiết kế theo nhu cầu đa dạng văn hóa. Phật giáo nhất thiết phải được làm mới phù hợp với nhiều ngôn ngữ, vùng miền và khu vực. Những nơi được xem là có hoà bình được truyền tải những thông điệp duy trì và gìn giữ hoà bình, những nơi chưa được coi là chưa có hoà bình sẽ truyền tải những thông điệp kiến thiến, tái tạo hòa bình trên tinh thần xây dựng tình huynh đệ, cùng nhau chung sống an lạc. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hoà bình, các bài tập chuyển hóa khổ đau và rèn luyện hành vi bất bạo động từ trong tâm. Con người đến với nhau vì tình thương hơn là quyền lợi và không có gì tạo ra hố sâu ngăn cách hay không có gì gọi là bảo vệ giá trị một quốc gia nhưng gây tổn hại cho quốc gia khác. Dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, Việt Nam cần xem xét lại và cũng chẳng phải xem xét lại chi, ngưng lại dự án để bảo tồn con người. Lợi ích kinh tế rất quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất. Cái gì cho là quan trọng thì môi trường quan trọng hơn. Những gì cho là quan trọng nhất thì con người quan trọng hơn cả. Chẳng cần hội thảo mất thì giờ ai cũng biết việc khai thác bauxite không chỉ bất hiếu với Tổ Hùng Vương mà còn bất hiếu với dân tộc, con cháu và chắc chắn lịch sử không bao giờ tha thứ cho hành động đi ngược lại sự bảo tồn con người. Kênh truyền hình Phật giáo kêu gọi thực tập hòa bình ngay từ những quốc gia không có chiến tranh, từ việc phát triển kinh tế và từ những bài học trên giảng đường. Kinh tế dù phát triển cách mấy nhưng môi trường không được bảo vệ, đất nước này còn tệ hại hơn cả chiến tranh, vì ô nhiễm môi trường là hình thức khác của chiến tranh. Bây giờ người ta có chiến tranh công nghệ, chiến tranh Internet nhưng không thể nghĩ đến chiến tranh kinh tế, chiến tranh thực phẩm, chiến tranh môi trường. Hồ Chí Minh từng tuyên bố miền Bắc chiến đấu giặc đói và giặc dốt. Nhu cầu phát triển kinh tế không màng gì đến môi trường là một thứ giặc: giặc ô nhiễm. Truyền hình Phật giáo nói lên tác hại về môi trường trên toàn thế giới và sự chảy máu của thiên nhiên toàn cầu để giáo dục con người ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ có bảo vệ môi trường mới đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất, khai thác tài nguyên dù trên đất liền hay ngoài biển khơi chưa bao giờ chứng minh cho việc phát triển kinh tế hay lợi ích kinh tế, nói chi đến gìn giữ hoà bình. Lịch sử không thể chứng minh được việc khai thác tài nguyên đem lại hòa bình cho nhân loại.

(Sách: Kế Hoạch Chấn Hưng Nhân Loại - Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh

Van hoa doanh nghiep

Tổng số bài gửi : 54
Location : Vietnam
Registration date : 05/05/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết