DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - Phần 2

Go down

Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - Phần 2 Empty Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - Phần 2

Bài gửi  Van hoa doanh nghiep Tue Jun 23, 2009 9:03 am

Hơi Thở Tinh Khôi
Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - Phần 2


Tuệ thứ ba: Tuệ nhận diện vô thường, vô ngã và Niết Bàn. Quán niệm về thân thể thấy rõ tính vô thường của nó. Nếu thân thể là thường, làm sao mẹ sinh đứa con và đứa con làm sao lớn lớn, già đi và qua đời. Nói mọi thứ là thường giống như một người đi làm kiếm tiền về nhà cất tủ để đó chơi không bao giờ xài hay một người chỉ có ăn cơm và uống nước không bao giờ đi tiểu và đi cầu. Nhờ vô thường, mà tiền kiếm được được xài, uống nước có đi tiểu và ăn cơm có đi cầu. Cho nên phải cám ơn vô thường. Vô thường giúp ta chăm sóc cái thân, không hành hạ cái thân, sử dụng cái thân để tu tập. Vô thường giúp ta bảo hộ cái tâm, không cho nó chạy vòng quanh, sử dụng cái tâm suy nghĩ điều thiện. Đời vô thường nên tu tập ngay bây giờ, thiền ngay bây giờ, hạnh phúc ngay bây giờ, đừng có đợi, đừng có hẹn, đừng có hứa. Quán niệm thân thể để thấy thân tâm này lúc khỏe lúc bệnh, lúc buồn lúc vui. Người biết tu biết giữ gìn sức khỏe cho cả thân và tâm và khi bệnh tật hay khổ đau, biết chăm sóc bản thân.

Theo dõi hơi thở và bụng phồng lên xẹp xuống. Các hơi thở cứ thế vào ra mười phút, 1 tiếng hay 2 tiếng. Hơi thở đầu tiên dù vào hay ra được nhận diện nhưng có thể giữ nó lại, nắm lấy nó và ngắm nhìn nó không? Hơi thở dù dài hay ngắn cũng không thể giữ lại và không thể kéo dài đến năm phút, nói chi hai tiếng. Hơi thở không giữ được vậy hơi thở đâu phải là ta và càng không phải của ta. Hơi thở đến rồi đi mất, có chăng chỉ là sự phối hợp của đất, nước, lửa và gió. Ta mượn bốn thứ này rồi cũng phải trả lại bốn thứ này. Thở vào là mượn và thở ra là trả. Chằng ai chỉ mãi thở vào mà chẳng bao giờ thở ra và ngược lại. Nhận diện được tính vô ngã, hành giả buông bỏ mọi chấp trước, không bị kẹt vào bản ngã, nhìn đâu cũng thấy bình đẳng, nhìn cái gì cũng như nhau không phân biệt. Chính vì không còn phân biệt, hành giả hạnh phúc với mọi đối tượng, hỷ lạc khắp châu thân, thứ hỷ lạc rất kỳ lạ, nhưng hành giả có chánh niệm thực thụ phải niệm hỷ lạc này. Bởi vì khi hỷ lạc chấm dứt, khả năng phiền não vi tế phát sanh bao gồm đau bụng, rùng mình, nổi da gà, mát mẻ, chóng mặt, vui vẻ, hân hoan, bực mình, ngứa ngáy, đức tin tràn trề, lầm tưởng đắc đạo, suy tính liên miên, muốn giúp người này người kia, muốn thực tập nữa, nhớ lại quá khứ, chán ghét thân thể, muốn ngồi thiền mau cho xong giờ, vọng tưởng, tưởng tượng đủ thứ… Tất cả điều này có thể khiến hành giả lầm tưởng mình đạt cảnh giới nào đó hay đắc đạo. Không nên có suy nghĩ như vậy mà cần phải tỉnh thức niệm những hiện tượng khởi lên như đau bụng thì niệm đau bụng đến khi hết đau bụng, rùng mình biết là rùng mình, vui vẻ biết đang vui vẻ… Nói chung, hành giả đừng bị kẹt bất cứ thứ gì dù là hiện tượng hỷ lạc hay khó chịu.

Tuệ thứ 4: Tuệ nhận diện sanh diệt của danh sắc. Trong quá trình thực tập, hành giả có thể phóng tâm hay nhìn thấy điều gì thì không nên dính mắc vào nó mà phải nhận biết mình đang phóng tâm và đang nhìn thấy cho đến khi các đối tượng xuất hiện đó biến mất. Sau đó quay trở về theo dõi hơi thở và sự phồng xộp của bụng. Nếu đối tượng nhìn thấy được ghi nhận và biến mất ngay sau khi ý thức đầu tiên về nó, hành giả nhận diện được sự sanh diệt của danh sắc. Việc này có thể diễn ra chỉ trong một sát na, rất nhanh và khi tỉnh thức, nó sẽ được biết đầy đủ. Cái gọi là ấn chứng đều do phóng tâm hay tâm chế tác ra, cho nên nó không thật, là giả tưởng hay tưởng tượng. Đừng vội cho đây là việc đắc đạo mà lầm đường lạc lối, sanh ra kiêu mạn và tự mình ngăn cản con đường thực tập. Lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ nên được nhận biết. Nếu cảm giác hoan hỷ hay sung sướng phát khởi, niệm hoan hỷ và sung sướng, đây là lạc thọ. Không niệm sẽ bị chìm đắm trong cái hoan hỷ và trở nên mê muội. Nếu cảm giác đau đớn, tê nhức, mệt mỏi hay chán nản phát khởi, niệm đau đớn, niệm tê nhức, niệm mệt mỏi, niệm chán nản. Điều này có nghĩa hành giả biết mình đang đau đớn, đang tê nhức, đang mệt mỏi hay đang chán nản, đây là khổ thọ. Niệm cho đến khi khổ thọ không còn và biết mình không còn khổ thọ nữa. Xả thọ là sự vắng lặng của lạc thọ và khổ thọ, tức là không lạc cũng không khổ, hay đang ở trạng thái trung tính. Hành giả biết mình không lạc cũng không khổ nhưng vẫn không bị mắc kẹt dù xả thọ nghe có vẻ tốt hơn hai cảm thọ kia. Mắc kẹt vào cái gì đều không phải là thiền, buông bỏ đi cho dù tốt hay xấu. Có buông bỏ thì mới đi tiếp. Ví dụ muốn qua bài thiền số năm, phải buông bỏ cho được bài thiền số bốn, giống như muốn lên bậc thang thứ mười phải bỏ bậc thang thứ chín.

Hành giả đôi khi có tư tưởng móng tâm. Móng tâm là trông ngóng. Thứ nhất, trông ngóng cho mau hết giờ hành thiền. Thứ hai, trông ngóng cho mau có ấn chứng. Thứ ba, trông ngóng được lên bài thực tập cao hơn. Điều này thật tai hại vì hành giả đang mong cầu. Nếu mong cầu không được niệm hay nhận biết, hành giả trở nên thất niệm, không thể tiến xa hơn hay có thể đi thụt lùi. Đọc các bài viết ở phần trên cho thấy thiền chỉ là thiền, nếu thiền có mục đích thì không còn là thiền nữa.

Tuệ thứ 5: Tuệ diệt. Hành giả ý thức về toàn thân khá rõ ràng. Nhiều điểm dụng trên cơ thể giúp chánh niệm về thân và sử dụng tâm theo dõi thân chặt chẽ hơn. Hơi thở vào trở nên sâu và nhẹ, hơi thở ra trở nên chậm và nhịp nhàng, không còn hổn hển và mạnh bạo như thuở ban đầu. Nhiều người cảm thấy đau bụng và tức ngực lúc chưa quen việc theo dõi hơi thở, bây giờ điều này không còn nữa, thay vào đó thân tâm càng trở nên an lành và dễ chịu. Thực tập liên tục đúng cách làm hơi thở vào ra dài hơn, hành giả thấy hơi thở thật dễ mến, đáng yêu và quí giá vô cùng. Nhờ hơi thở, biết mình còn sống, biết các điểm đụng, các bộ phận cơ thể đang hoạt động và phục vụ bản thân liên tục không sao nhãng. Bài tập này khi thực tập liên tục thấy cơ thể gần như biến mất, chỉ còn tâm đi lên đi xuống chảy theo hơi thở. Hành giả cần ý thức về việc cơ thể có cảm giác biến mất, niệm cho đến khi ý thức được toàn thân. Các điểm đụng trên cơ thể đưa tâm hành giả trở về với thân, gọi tên điểm đụng, cho tâm chạm vào bộ phận cơ thể, thấy chúng có giá trị nuôi dưỡng, nhưng việc đưa tâm đụng các điểm khác nhau chứng tỏ thân thể là một tổ hợp thống nhất, hổ trợ nhau cho nó hoạt động.

Thực tập đến đây, thân tâm vô cùng thoải mái và bình an. Hành giả ý thức tình trạng thân tâm của mình và biết rõ chúng trong từng thời khắc của việc thực tập. Nếu quên niệm thì bỏ qua và chú tâm vào hiện tại. Tiếc nuối việc quên niệm làm cho hiện tại bị sao nhãng. Chỉ cần niệm hiện tại, không kéo cái niệm quá khứ và chờ đợi cái niệm tương lai. Một số sách nói đến tuệ này tức là thấy cơ thể mất hết, thấy mất một tay hay mất một chân, chỉ còn lại tâm, như vậy chưa hẳn là tuệ diệt. Nếu gọi đó là diệt thì vì sao thấy mất thân và còn tâm. Nếu là tuệ diệt thì thân và tâm phải mất hết. Điều này chưa đúng với bản thể không có gì sinh cũng không có gì diệt và cái gì sinh thì phải diệt. Tuệ diệt phát sinh khi chú tâm vào hiện tại để thấy nó trôi qua rất nhanh, không níu kéo quá khứ và với tay vào tương lai. Như khi đụng điểm thứ nhất đến đụng điểm thứ hai, điểm thứ hai đang là hiện tại thì chỉ lo đụng điểm hai thôi, không suy nghĩ xem khi nãy đụng điểm thứ nhất chưa hay chắc là bây giờ phải đụng điểm thứ ba chứ không phải điểm thứ hai.

Hành giả nhận thức được bản thể của thân và tâm. Điểm đụng đó cũng phải diệt để qua điểm đụng khác, ý thức về điểm đụng này cũng phải đổi sang ý thức về điểm đụng khác. Điều này cho thấy tuệ diệt nằm ở chỗ điểm đụng thay đổi và ý thức về nó cũng thay đổi liên hồi. Diệt một điểm đụng để rồi sinh ra điểm đụng mới. Cho nên nói tuệ diệt cũng nói đến tuệ sinh bởi vì chẳng có gì diệt cũng chẳng có gì sinh. Nhận biết pháp sanh diệt dù chỉ trong tích tắc cũng chứng tỏ hành giả này có phước báu lớn trong đời sống quá khứ và hiện tại. Người phước báu ít ỏi chẳng bao giờ gặp được Thiền Minh Sát, hoặc gặp thì lại chê bai và không chịu thực tập. Tuệ thứ tư và năm đều nhấn mạnh kết quả nhận biết bản thể của danh sắc để thấy rằng chúng là vô thường, vô ngã và cũng chính chúng giúp Niết Bàn hiện tiền. Tuệ dù sinh hay diệt đều phải theo qui luật của nó có nghĩa đã sinh ra thì phải diệt. Cho nên hành giả khi có ấn chứng hay tuệ phát sinh thì không mong chúng xuất hiện trở lại, bởi vì nó cũng vô thường mà thôi. (Còn tiếp)

(Theo sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Minh Thạnh)
Xem thêm tại: http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh

Van hoa doanh nghiep

Tổng số bài gửi : 54
Location : Vietnam
Registration date : 05/05/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết