DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - phần 3

Go down

Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - phần 3 Empty Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - phần 3

Bài gửi  Van hoa doanh nghiep Sun Jun 28, 2009 2:10 pm

Hơi Thở Tinh Khôi
Những cái tuệ của Thiền Minh Sát - phần 3


Tuệ thứ 6: Tuệ sợ. Hành giả thực tập bài này có thể phát sinh sợ hãi, nhưng khi niệm sợ liên tục, sợ hãi có thể biến mất đi và nhận biết về sự biến mất của sợ hãi. Cái sợ còn bao gồm cả lo lắng về điều gì đó như về sức khỏe, về gia đình hay về công việc. Những lo lắng này tự nhiên phát khởi khiến cho hành giả sợ, đồng thời những ký ức cũ tự nhiên hiện về và vẽ ra trong đầu bao nhiêu dự tính trong tương lai. Hành giả phải chánh niệm về việc này. Khi ký ức cũ hiện về thì phải niệm phóng tâm và khi tương lai vồn vã tới thì phải niệm phóng tâm. Lo lắng dẫn đến sợ hãi và dĩ nhiên sợ hãi phải có đối tượng của sợ hãi, không thể nói không biết sợ hãi về cái gì, bởi vì nếu không biết xem như chánh niệm không rõ ràng. Nhìn phải có đối tượng, nghe phải có đối tượng và sợ hãi cũng phải có đối tượng. Ý thức về đối tượng của sợ hãi, hành giả tỉnh giác về sự sợ hãi đó và niệm sợ hãi cho đến khi không còn sợ hãi gì nữa.

Hành giả ý thức về các cảm giác nóng, lạnh, mát, bực bội hay khó chịu… Nếu các hiện tượng này phát sinh, niệm chúng vì chúng là hiện tại, khi cảm giác biến mất thì lập tức quay về theo dõi hơi thở. Nếu không niệm, sợ hãi ban đầu không được nhận diện, hành giả bị sợ hãi lôi kéo, làm nô lệ cho nó và rơi vào tà dục nhanh chóng. Khi sợ hãi nổi lên, phải niệm ngay và làm cho nó lắng dịu. Có khi sợ hãi xuất hiện vì hành thiền quá mức hay ngồi không đúng cách, dẫn đến việc điều hoà hơi thở không thuận tiện và các mạch máu căng thẳng. Vì vậy, một khi sợ hãi quá mức và việc niệm không có kết quả, hành giả nên ngưng thiền, nghỉ ngơi, xoa bóp toàn thân hoặc đi kinh hành thư giãn thân tâm. Nên nói về nỗi sợ của mình cho thiền sư hoặc thầy hướng dẫn để có lời khuyên về cách thực tập, đồng thời tìm hiểu thêm về phương pháp rải tâm từ cho muôn loài và đọc Kinh Từ Bi cho các chúng sanh nghe. Việc làm này có tác dụng tưới tẩm thân tâm các cảm giác an toàn cũng như chế tác sự bình an cho môi trường xung quanh. Tuệ sợ phát sanh rồi sẽ tan biến, nhưng nếu không biết cách, hành giả duy trì nỗi sợ trong người và không muốn ngồi thiền nữa. Hành thiền phải có hạnh phúc, nếu không thì đừng có hành. Hạnh phúc thể hiện ở chỗ nỗi sợ hiện lên thì nắm chặt lấy nó, cái gì nắm chặt sẽ tự động rút lui, rút lui rồi thì sẽ có hạnh phúc. Tuy nhiên, dù sợ hãi hay hạnh phúc cũng đều nhận biết, đó là chánh niệm.

Tuệ thứ 7: Tuệ nhận diện năm uẩn. Năm uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức; theo đó sắc là thân và thọ, tưởng, hành, thức là danh hay tâm. Hành giả hành thiền phải gọi tên cho được cái này là sắc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là hành và cái này là thức. Dĩ nhiên không có mắc công ngồi phân loại danh và sắc tương ứng với uẩn của nó mà chỉ cần gọi tên hay nhận diện đơn thuần. Niệm phồng xộp cho đến khi không thấy niệm nữa nhưng thực sự đang niệm. Sự thuần thục chứng minh việc niệm như không niệm, không niệm nhưng thực sự đang niệm. Năm uẩn được xác lập bởi bốn yếu tố: đất, nước, lửa và gió. Niệm phồng xộp là niệm bốn yếu tố, tức niệm sắc. Ý thức về niệm là ý thức về bốn yếu tố, tức niệm danh. Niệm đến không thấy niệm là biết về danh sắc nhưng không bị kẹt vào nó. Không thấy niệm nhưng thực sự đang niệm là vượt thắng sợ hãi về sự biến chuyển của thân, thân này sẽ trở về bốn yếu tố và không đau đớn vì nó. Hành giả không còn tham cầu vào lạc thọ, khổ thọ hay xả thọ cũng như không dính mắc vào các thọ. Xem các thọ là như nhau, gọi đầy đủ tên các thọ nhưng không còn mảy may phân biệt. Mọi hiện tượng xảy ra với thân đều cho sự chuyển động hay hoạt náo của bốn yếu tố. Tâm ý thức về thay đổi của chúng. Sự thay đổi này làm cho cơ thể tê nhức, mệt mỏi, khó chịu, đau đớn hay ngứa ngáy. Các hiện tượng bất lợi này thực ra đâu phải là ta, tất cả đều do bốn yếu tố kia di chuyển làm ra vậy. Hành giả biết vậy nên càng thực tập để lành mạnh hóa bốn yếu tố, không hành hạ hay cưỡng chế thân thể, đồng thời sử dụng thân thể thực tập con đường giải thoát, xem nó như phương tiện hỗ trợ, tuy nhiên không để phương tiện sai khiến trở lại. Thân năm uẩn gánh chịu tính vô thường, phải lớn lên, già nua, bệnh tật và đau đớn. Hiểu rõ tính chất này, hành giả không tham đắm, không chạy theo và mê mệt vì nó nhưng ngược lại hành giả ra sức bảo tồn năm uẩn không phải vì sợ hãi mà vì bản chất trong lành của nó, giúp năm uẩn hoà giải với nhau, thân tâm sẽ dễ dàng bình an. Hành giả ngay lập tức chán nản, sau khi nhận diện được nó, chán nản chấm dứt, và cũng ngay lập tức trân quý, không cho phép năm uẩn làm bậy, mà chỉ làm công việc duy nhất: thực tập giải thoát, tiếp xúc với thực tại cùng tột và sống sâu sắc trong hiện tại.

Khoa học thống kê con người có hàng trăm thứ bệnh và nhiều loại bệnh mới cứ liên tiếp xuất hiện. Hôm qua xem ti vi nhiều trẻ em còn nhỏ tuổi đã bệnh ung thư. Hành giả đang thực tập có thể tái phát các bệnh cũ. Bệnh xuất hiện như một thách thức với người tưởng chừng bệnh cũ đã qua. Thiền sinh bệnh suyển đã hết nhưng trong phút chốc, căn bệnh trỗi dậy, thở còn khó nói chi đến phồng xệp. Căn bệnh lập tức được nhận biết và niệm bệnh. Tuy nhiên không cần phải sầu khổ vì nó vì đã dư sức biết chẳng qua đó là tính thăng trầm của bốn yếu tố. Có hành giả chạy đi tìm thuốc suyễn uống, như vậy cũng được nhưng phải niệm tất cả hành động từ ý muốn cho đến uống và kết thúc việc uống thuốc. Có hành giả không cần uống thuốc gì cả, chỉ niệm căn bệnh thôi cho đến khi tự nhiên hết bệnh. Có danh sắc thì phải có các thọ, không chỉ có khổ thọ mà còn có lạc thọ và xả thọ. Chỉ cần biết như vậy là đủ, hành giả không quá chán nản cũng không quá trân quý, trạng thái ở tính quân bình, đơn giản là thấy được và biết được.

Tuệ thứ 8: Tuệ chán nản và dễ chịu. Hành giả nhìn thấy sự sanh diệt của danh sắc nhưng thật ra đâu có gì sinh và đâu có gì diệt, có chăng chúng chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Nếu nói có sanh thì có gì đó xuất hiện và nếu nói có diệt thì có gì đó biến mất. Vạn pháp là vô thường nhưng lại không sanh không diệt. Từ chán nản sẽ biến thành dễ chịu, nên nói chán nản diệt để dễ chịu sanh, nhưng thực ra chán nản đâu có diệt, nó chỉ chuyển hóa thành dễ chịu thôi, nhờ chán nản mới biết được dễ chịu như thế nào. Đang hành hoặc sau khi hành thiền, hành giả có thể khát nước hoặc không khát nước. Một bác sĩ đông y nói rằng, ngồi thiền mà thấy khát nước quá độ là ngồi chưa đúng. Tôi không cho như vậy, ngồi lâu dĩ nhiên phải khát nước, nhưng có người vừa mới ngồi không bao lâu, đã thấy khát nước kinh khủng. Người này có thể đứng dậy uống nước và ngồi trở lại hoặc không cần phải đi uống nước. Người khát nước niệm khát nước cho đến khi tình trạng khát nước biến mất. Việc khát nước của thân có thể dẫn đến quả khó chịu, đòi hỏi, mong muốn uống nước, thích ngưng thiền và trở nên nóng nảy. Hành giả có chánh niệm sẽ ý thức các hiện tượng này và không chiều theo bản thân. Ý thức về nóng nảy hay gắt gỏng làm cho tình trạng giảm thiểu và tan chảy. Tất cả các tâm hành bất thiện đều có thể phát khởi, nhưng nhờ ý thức chúng, hành giả không bị lôi kéo. Lúc này, hành giả xem tâm hành cũng vô thường, có khả năng làm cho nó ngủ yên.

Tính tình hành giả có thể thay đổi, dễ chịu và thoải mái hơn. Nhờ ý thức được tâm hành, hành giả không buông trôi hay lả lơi với tính cách bất thiện. Ăn nói nhẹ nhàng, chú ý đến người xung quanh, phát nguyện thực tập mạnh mẽ và thích thú con đường tu tập là các biểu hiện dễ nhìn thấy. Thậm chí, hành giả muốn chia sẻ lập tức các kinh nghiệm thực tập cho người khác không hề giấu diếm. Sau đó, hành giả trở nên trầm lặng, ít tiếp xúc, muốn có thêm thì giờ để thực tập. Điều tai hại lúc này là hành giả muốn đi tiếp bài tiếp theo nhưng hãy nhớ mọi thứ cần phải kiên nhẫn, không cần phải vội vã hay hấp tấp. Thực tập chầm chậm, từ tốn và đúng đắn, giống như tập thể hình nếu nâng tạ nhẹ đúng cách bắp thịt vẫn nở nang, thì dù tập những bài thiền cơ bản vẫn có thành tựu như thường, đâu phải đợi đến hết 16 bài mới thành tựu.

(Sách: Hơi Thở Tinh Khôi - Minh Thạnh)
Xem thêm tại
http://vn.myblog.yahoo.com/sc_minhthanh

Van hoa doanh nghiep

Tổng số bài gửi : 54
Location : Vietnam
Registration date : 05/05/2009

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết